Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, đời sống vật chất cũng như tinh thần của con người không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề khác như áp lực công việc, tài chính, mâu thuẫn gia đình, bệnh tật, tệ nạn,... khiến nhiều người có ý định tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống.
Tự tử là gì?
Tự tử là cái chết do người đó tự làm mình bị thương. Nỗ lực tự sát là khi người đó có ý định tự làm hại bản thân với mục đích muốn kết thúc cuộc sống của mình. Một người đang có ý định tự tử thường không thể tìm thấy bất kỳ giải pháp nào cho những nỗi đau họ phải trải qua ngoại trừ cái chết.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tự sát ví dụ như người từng trải qua bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực tình dục, căng thẳng quá mức hoặc bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến tâm lý.
Tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả những nước đã và đang phát triển. Ước tính có khoảng hơn 700.000 người chết vì tự tử mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 xảy ra trong độ tuổi từ 15 đến 29 trên toàn cầu vào năm 2019. Khoảng 77% số vụ tử tự xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2019. Tỷ lệ tự tử tăng khoảng 36% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2021. Tự tử là nguyên nhân gây ra 48.183 ca tử vong vào năm 2021, nghĩa là cứ 11 phút lại có 1 ca tử vong do tự tử.
Tự tử và cố gắng tự tử gây ra những tác động nghiêm trọng về tình cảm, thể chất và kinh tế. Những người cố gắng tự tử có thể gặp phải những tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của họ. Họ cũng có thể bị trầm cảm và gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Những người có nguy cơ tự tử:
Người đang mắc các bệnh mãn tính, ung thư.
Người thường xuyên gặp áp lực trong cuộc sống.
Người từng trải qua bạo lực.
Người đã từng có hành vi tự sát bất thành.
Người trầm cảm hoặc mắc bệnh tâm thần.
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Dấu hiệu của người có ý định tự tử
Gần như mỗi người có ý định hoặc đã từng tự tử thường có một số dấu hiệu sau:
- Thường xuyên nói về việc tự tử hoặc nói đến cái chết.
- Luôn nghĩ mình vô dụng, tự ti về bản thân.
- Không muốn giao tiếp xã hội, tự cô lập bản thân.
- Thay đổi tâm trạng.
- Đang gặp vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý.
- Tăng tần suất sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích.
- Thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt.
- Thực hiện các hành động nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, các dấu hiệu cảnh báo không phải lúc nào cũng rõ ràng và các dấu hiệu này cũng sẽ khác nhau ở từng người. Do đó, việc quan tâm người thân hoặc bạn bè khi họ có dấu hiệu tự tử là việc làm cần thiết.
Tự tử không phải là một phản ứng bình thường đối với những vấn đề trong cuộc sống. Những người có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử là dấu hiệu của sự đau khổ và bế tắc tột độ mà không nên bỏ qua. Nếu ai đó có dấu hiệu tự tử, hãy tìm sự trợ giúp cho họ càng sớm càng tốt.
Giải pháp phòng ngừa tự tử
Những người có ý định tự tử thường không tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa là sự giúp đỡ đó không cần thiết. Việc phòng ngừa tự tử có thể được thực hiện ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia.
WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) khuyến nghị 4 biện pháp bao gồm:
Hạn chế tiếp cận với các yếu tố thúc đẩy hành vi tự sát. Đối với những người có ý định tự tử, việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với hành vi tự tử của người khác, chẳng hạn như hành vi của các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc người nổi tiếng cũng có thể là một yếu tố nguy cơ.
Tiến hành bồi dưỡng nhận thức cũng như kỹ năng sống tình cảm cho các đối tượng thanh thiếu niên.
Thường xuyên cập nhật thông tin từ phương tiện truyền thông để nhận biết và phòng ngừa tự tử.
Nhận biết, xác định, đánh giá và theo dõi những người có ý định tự tử.
Một số biện pháp có thể can thiệp khi ai đó có ý định tự tử bao gồm:
Thường xuyên hỏi han, trò chuyện, chia sẻ để họ có hướng giải quyết hoặc niềm tin vào cuộc sống.
Quan tâm, lắng nghe với thái độ chân thành, cởi mở.
Luôn cho họ cảm giác an toàn và để cho người đó biết họ không chỉ có một mình.
Không phán xét và cần thông cảm với những vấn đề họ đang gặp phải.
Không để người đó một mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tìm kiếm người có chuyên môn hoặc bác sĩ tâm lý để có biện pháp điều trị phù hợp.
Khuyến khích họ thực hiện lối sống tích cực như tập luyện thể dục, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
Tự tử là một vấn đề phức tạp có thể cướp đi mạng sống của nhiều người. Tuy nhiên, việc nhận biết và có biện pháp thích hợp có thể giúp phòng ngừa tự tử hiệu quả.
Dược sĩ Nguyễn Thư
Tài liệu tham khảo
1. Dược sĩ Thu Trang. Cảnh Báo Tình Trạng Tự Tử Bằng Panadol (Paracetamol) Ở Người Trẻ.
2. Suicide Prevention, National Institute of Mental Health.
3. Dược sĩ Khánh Linh. Tự Sát Bằng Thuốc Ngủ Có Thực Sự ÊM Như Bạn Nghĩ Không?
4. Suicide Prevention, CDC.
5. Waquar Siddiqui và cộng sự. Suicide Screening and Prevention, PMC.