Backgroup Default
Thứ sáu, 3/1/2025
TRANG CHỦ    Phòng chống, tác hại thuốc lá
Ngày đăng:  22/05/2024, Lượt xem: 94

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày, trên thế giới có từ 80.000 - 100.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện thuốc lá chỉ sau vài điếu. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13 - 15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.
Theo một số báo cáo khảo sát, điều tra tại Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp bao gồm: Nicotine, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác của con người; không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nicotine có trong thuốc lá có tính gây nghiện cao và việc sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp. Nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi, gây ra sảy thai đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.


Để bảo vệ trẻ em trước tác hại của thuốc lá, các thành viên trong gia đình và nhất là cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và giám sát trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Phụ huynh cần phối hợp nhà trường, giáo viên để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ khi ở trường, từ đó phát hiện những dấu hiệu trẻ sử dụng thuốc lá điện tử. Cha mẹ không nên cho con nghịch, sử dụng thuốc lá điện tử.
Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện khác cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, bởi với tâm lý tò mò, thích khám phá, đua đòi, trẻ có xu hướng lén lút sử dụng thuốc lá điện tử cùng bạn bè. Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học, không sa đà vào những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội.
Chúng ta tuyệt đối không nên sử dụng bất cứ loại thuốc lá nào, kể cả thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

CN. Ngọc Hoa
Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Bài viết liên quan