Backgroup Default
Chủ nhật, 8/9/2024
TRANG CHỦ    Phòng ban - đơn vị    Khoa PC HIV / AIDS
Ngày đăng:  08/07/2024, Lượt xem: 26

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) lưu động là một giải pháp hiệu quả giúp các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh việc điều trị PrEP cho quần thể nguy cơ cao bằng thuốc kháng HIV (ARV) có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Tuân thủ uống thuốc ARV hàng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74%. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra khi nhóm MSM ngừng sử dụng PrEP hoặc sử dụng không liên tục theo hướng dẫn. Vì những lợi ích trên, Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017 đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai dự phòng nhiễm HIV cho quần thể nguy cơ cao như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV…
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu 72.000 người có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP vào năm 2025.
Tại Sóc Trăng, với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu đã triển khai điều trị PrEP từ ngày 06/3/2020, đến nay đã có 1.959 khách hàng điều trị PrEP tại các cơ sở y tế nhà nước (lồng ghép vào các cơ sở điều trị HIV/AIDS sẵn có) và cơ sở y tế tư nhân (khoảng 30% khách hàng đang sinh sống tại các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang); trong đó khoảng 82% khách hàng là đối tượng MSM, ghi nhận 13 trường hợp HIV dương tính trong quá trình điều trị do không tuân thủ điều trị và ở giai đoạn cửa sổ khi bắt đầu điều trị PrEP.

Đội ngũ cán bộ y tế khám, điều trị PrEP lưu động tại tỉnh Trà Vinh

Để mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi thì điều trị PrEP lưu động là một giải pháp hiệu quả. Dịch vụ điều trị PrEP lưu động là dịch vụ mới trong hoạt động điều trị PrEP, mang ý nghĩa nhân đạo và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, được thực hiện tại các địa điểm bên ngoài cơ sở y tế phù hợp với khách hàng hoặc tại một nơi thuận lợi với một nhóm khách hàng mà do hoàn cảnh hoặc lý do nào đó họ không tiếp cận được với dịch vụ điều trị PrEP tại các cơ sở y tế. Đội ngũ cán bộ y tế tham gia điều trị PrEP lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng bao gồm bác sĩ, y sĩ hoặc điều dưỡng, cán bộ xét nghiệm và dược sĩ. Địa điểm tổ chức khám, điều trị PrEP lưu động sẽ được lựa chọn phù hợp với đối tượng; có thể là tại các quán cà phê, trường cao đẳng, trường đại học, khu vui chơi giải trí hoặc nhà riêng của các bạn trong cộng đồng...
Qua các đợt khám, điều trị PrEP lưu động nhiều khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV (khoảng 90% là đối tượng MSM) được khám sàng lọc HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia và được cấp thuốc PrEP miễn phí. Những trường hợp sàng lọc HIV có phản ứng được chuyển đến phòng xét nghiệm để khẳng định HIV và giới thiệu chuyển tiếp điều trị ARV sớm; bên cạnh đó các trường hợp mắc lậu, giang mai, chlamydia được giới thiệu đến đúng chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Điều trị PrEP lưu động đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ cao, giảm số người nhiễm HIV mới và hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

BS. Ngọc Hân

Bài viết liên quan