Trong 2 ngày, từ ngày 10 - 11/6/2024, đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của Nhà tài trợ CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC) đã đến làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Kế Sách và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên về việc thực hiện hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV tại tỉnh Sóc Trăng.
Mục đích của chuyến công tác nhằm rà soát tiến độ hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV tại tỉnh và tại các đơn vị tham gia đáp ứng y tế công cộng; tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi khi triển khai đáp ứng y tế công cộng và xác định giải pháp cải thiện chương trình. Chuyến công tác cũng nhằm hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho các cán bộ tham gia đáp ứng y tế công cộng nhằm cải thiện kết quả tìm ca; kết nối điều trị thuốc kháng HIV (ARV) nhanh cho người nhiễm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho những trường hợp HIV âm tính nhưng có nguy cơ cao nhiễm HIV và tăng cường chất lượng điều trị HIV/AIDS.
Ông Minesh P Shah, Phó Giám đốc Chương trình HIV - Tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
Đoàn công tác có Ông Minesh P Shah, Phó Giám đốc Chương trình HIV, Ông Hoàng Nam Thái, Phó Trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV đến từ Tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và các cán bộ chương trình của Dự án EPIC.
Tại các đơn vị, đoàn đã nghe các báo cáo về việc triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng. Ông Minesh P Shah, Phó Giám đốc Chương trình HIV đã có ý kiến làm rõ hoạt động đáp ứng y tế công cộng là xác định nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV; các hành vi nguy cơ, nguyên nhân gốc rễ làm lây truyền dịch HIV trong nhóm nguy cơ đó; các khoảng trống dịch vụ, từ đó thực hiện nhanh các đáp ứng, các biện pháp can thiệp phù hợp để ngăn chặn HIV lây truyền trong nhóm nguy cơ đó và dự phòng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng
Làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với những kết quả 2 năm triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng tại tỉnh, đoàn công tác cũng đã ghi nhận và rất ấn tượng về những kết quả mà tỉnh đã đạt được như đã thành lập và kiện toàn nhóm hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh; thành lập Nhóm hỗ trợ cải thiện chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế; tỷ lệ người người nhiễm HIV được kết nối điều trị ARV, những ca HIV âm tính được kết nối chuyển gửi điều trị PrEP rất cao; tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng vi rút HIV dưới 200 bản sao/ml là 96,8% (K=K, Không phát hiện = Không lây truyền, có nghĩa là những trường hợp không làm lây nhiễm HIV ra cộng đồng). Bên cạnh đó, theo Ông Hoàng Nam Thái, Phó Trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV, tỉnh Sóc Trăng cần tăng cường huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng, các tổ chức xã hội vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế; hỗ trợ các nhóm cộng đồng nhằm nâng cao năng lực, chi phí để duy trì hoạt động, từ đó thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm, kết nối điều trị ARV và điều trị PrEP.
BSCKII. Nguyễn Văn Thêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng đã tiếp thu những ý kiến đóng góp, chia sẻ của đoàn công tác và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia Tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và Dự án EPIC đã trực tiếp đến Sóc Trăng để hỗ trợ kỹ thuật về hoạt động đáp ứng y tế công cộng và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh. Trong thời gian tới đơn vị rất mong Dự án EPIC tiếp tục hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, các nhóm cộng đồng và nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030./.
Tin: Ngọc Hân
Ảnh: Đình Khá