Ngày Hen toàn cầu (ngày Thứ Ba, tuần đầu tiên của tháng 5) là một sự kiện lớn được tổ chức trên toàn trên thế giới. Mục đích của Ngày Hen toàn cầu hàng năm là nâng cao nhận thức về bệnh hen phế quản và những ảnh hưởng của bệnh hen phế quản đối với người bệnh nói riêng và cả cộng đồng nói chung.
Năm 2025, Ngày Hen toàn cầu được tổ chức vào ngày 06 tháng 5 với chủ đề “Tiếp cận điều trị cho tất cả mọi người” nhằm nhấn mạnh đảm bảo rằng mọi người bị hen suyễn đều được cung cấp các loại thiết yếu, thuốc cắt cơn để ngăn ngừa tình trạng bệnh tật và tử vong liên tục có thể tránh được do hen suyễn.
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
Hen phế quản là bệnh không lây nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi (ở trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và người cao tuổi). Hen phế quản là bệnh nghiêm trọng nhưng chỉ cần điều trị và kiểm soát bệnh tốt sẽ đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh Hen phế quản
Hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân phát sinh chính xác của bệnh hen phế quản. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường gây ra bệnh:
- Yếu tố di truyền: 50% – 60% liên quan đến yếu tố này. Theo một số nghiên cứu bố hoặc mẹ bị hen thì nguy cơ con mắc bệnh hen 25% và nếu bố và mẹ đều bị Hen phế quản thì tỷ lệ tăng gấp đôi
- Yếu tố môi trường:
+ Dị nguyên trong nhà: Mạt bụi nhà, nấm mốc, lông thú như: chó, mèo…
+ Dị nguyên ngoài nhà: Bụi đường phố, phấn hoa, hương khói hóa chất, ô nhiễm môi trường..
+ Nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus, vi khuẩn…
+ Nghề nghiệp: May, sơn, hóa chất..
+ Thức ăn: Trứng, hải sản và phụ gia thực phẩm
+ Thuốc: Aspirin
+ Khói thuốc lá
- Các yếu tố khác: Nội tiết, Stress, gắng sức, thay đổi thời tiết, mùi vị đặc biệt.
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh hen phế quản
Nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như:
-Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa, lông động vật…
- Không hút thuốc lá và tránh để phơi nhiễm thụ động với khói thuốc.
- Hạn chế đến khu vực có không khí ô nhiễm, hóa chất, khói bụi…
- Khi ra ngoài, nên đeo khẩu trang che miệng và mũi để giảm nguy cơ nhiễm virus gây bệnh hô hấp.
- Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, giữ tinh thần tích cực, tránh lo âu và căng thẳng quá mức.
- Không sử dụng thực phẩm mà bản thân bị dị ứng (nếu có).
- Chủ động tiêm vắc xin phòng cúm và viêm phổi, khám sức khỏe định kỳ mỗi năm để sớm phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.
- Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen phế quản rất tốt.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có cơn hen cấp.
Bệnh hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn; tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì hen có thể được kiểm soát.Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.
Ngọc Hoa – Khoa PCBKLN