Backgroup Default
Thứ năm, 20/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Cây thuốc quanh ta
Ngày đăng:  15/02/2024, Lượt xem: 48

Trái me thường được sử dụng để nấu canh chua, khử mùi tanh của cá… Nhưng trái me, gỗ cây me, hạt me cũng là những vị thuốc y học cổ truyền được sử dụng để trị bệnh.
Quả me có tên gọi khác là la vọng tử. Tên khoa học là Tamrindus indica L, thuộc họ Đậu Fabaceae.
Cây me là cây gỗ to, cao 10 - 20m. Lá kép lông chim, dài 8 - 10cm, gồm 10 - 20 đôi lá chét thuôn, tù ở đầu, dài 20mm, rộng 2mm. Hoa vàng nhạt, xếp thành chùm ở nách lá, hoặc thành chùm ở đầu cành.
Quả thẳng, hơi dẹt, dài 7 - 25cm, rộng 1,5 - 2,5cm, dày 1cm, mọc thõng xuống, vỏ trái màu gỉ sắt, cứng giòn, cơm trái nạc, khi chín có màu nâu nhạt hay vàng nhạt, có vị chua, bao quanh những hạt dẹp.
Cây me là cây của châu Á và châu Phi nhiệt đới được trồng phổ biến ở nhiều nước.
Ở nước ta, nhất là ở các thành phố và các tỉnh phía Nam, cây me được trồng làm cây bóng mát dọc các đường phố, quanh các thôn xóm, lấy lá và trái để chế biến món ăn. Trái me, lá me thường dùng nấu canh chua với cá.
1. Các bộ phận dùng làm thuốc của cây me
Trái me, lá và thân (gỗ), rễ của cây me đều được dùng làm thuốc.
- Trái, hạt:
Thành phần hóa học và dinh dưỡng: Cơm trái me giàu glucid (đường, pectin), 10% acid citric, tartric tự do và 8% bitartrat acid kali. Do vậy, mà cơm quả me có tính chất nhuận tràng.
Tính vị: Vị chua, ngọt, đắng, tính mát, chứa nhiều vitamin C.
Qui kinh: Can, tỳ, vị.
Tác dụng: Mát phổi hóa đàm, sinh tân, chỉ khát, thu liễm, hạ huyết áp, giải độc, chỉ sang, thanh nhiệt, giải thử, chống nôn oẹ.
Chủ trị: Trị tiểu đường và tăng huyết áp cao. Trị táo bón ở người già.
Bào chế: Hạt, phơi khô sao vàng, hạ thổ.

Trái me

- Lá me
Tính vị: Vị chua, đắng, tính mát.
Qui kinh: Can, tỳ, vị.
Tác dụng: Giải độc, chỉ sang, phòng bệnh ngoài da.
Chủ trị: Chữa viêm da, lở ngứa
- Thân (gỗ), rễ:
Tính vị: Vị đắng, chát
Qui kinh: Can, tỳ, vị.
Tác dụng: Thu liễm, hạ huyết áp.
Chủ trị: Chữa huyết áp cao
2. Bài thuốc từ cây me
- Nước uống nhuận tràng: Trái me ướp đường, lượng nước vừa đủ. Hãm trái me với nước nóng hoặc pha với nước lạnh làm nước uống.
- Cơm trái me pha uống giải khát: Cơm trái me (bỏ xơ) 50g, đường 125g, nước 50g. Cho các thành phần đun đến khi cạn rồi pha nước uống.

Cơm trái me có thể pha nước uống giải nhiệt

- Trị đái tháo đường và tăng huyết áp: Hạt me phơi khô sao vàng, hạ thổ có tác dụng giáng chỉ, hạ áp. Dùng lượng hạt me vừa phải, sắc nước uống.
Chú ý: Khi đường huyết và huyết áp xuống tới hạn thì ngừng uống.
-Trị táo bón ở người già: Gỗ cây me có tác dụng tiêu thực, chỉ ẩu, thông phủ. Sử dụng 100g gỗ cây me sắc uống hàng ngày.
Do trong trái me có chứa glucid nên người bệnh đái tháo đường cần chú ý khi sử dụng. Bên cạnh đó, me cũng có chứa acid nên người bị trào ngược dạ dày thực quản, người mắc bệnh dạ dày không nên uống nhiều nước me.

Lương y Bùi Đắc Sáng
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan