Nước khóm được ép từ quả khóm có vị thanh mát được nhiều người yêu thích, lựa chọn, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, uống nước khóm vào thời điểm nào là tốt nhất thì không phải ai cũng biết.
1. Tác dụng của nước khóm:
Theo Đông y, khóm có vị chua ngọt, tính bình; nước khóm có tác dụng:
Thanh nhiệt, giải khát: Nước khóm giúp giải nhiệt, làm dịu cơn khát, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.
Tiêu thực, kiện vị: Các enzyme trong dứa hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn, giảm đầy bụng, khó tiêu.
Lợi tiểu, tiêu phù: Nước khóm có tác dụng lợi tiểu, giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, giảm phù nề.
Bổ tỳ, dưỡng huyết: Khóm cung cấp các vitamin và khoáng chất, giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe.
Hỗ trợ giảm viêm: Bromelain trong dứa có tác dụng kháng viêm, giúp giảm đau nhức xương khớp, viêm họng.
Ngoài ra, nước khóm còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống loãng xương, chống lão hóa...
2. Bài thuốc từ nước khóm:
Chữa ho, viêm họng: Khóm 1 quả ép lấy nước, thêm chút muối, uống ngày chia 2 - 3 lần.
Chữa phù nề tay chân: Lấy 1 quả khóm ép lấy nước, uống ngày 2 lần.
Bên cạnh đó, có thể dùng 1 quả khóm, nướng chín, chia ăn 2 lần/ ngày để chữa đầy bụng, khó tiêu.
Nước dứa có tác dụng giải nhiệt, làm dịu cơn khát
3. Lựa chọn thời điểm uống nước dứa hiệu quả:
Thời điểm nên uống nước khóm:
- Buổi sáng: Uống nước khóm vào buổi sáng có thể giúp kích thích hệ tiêu hóa, cải thiện chức năng ruột và tăng cường miễn dịch.
- Trước bữa ăn: Uống nước khóm trước bữa ăn có thể giúp kích thích tiêu hóa, giảm thiểu tình trạng đầy hơi và khó tiêu.
- Trước hoặc sau khi luyện tập: Nước khóm chứa đường tự nhiên, có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể trước hoặc sau khi tập luyện. Ngoài ra, bromelain trong khóm có tác dụng chống viêm, giúp giảm sưng cơ và đau nhức sau khi tập. Uống nước khóm sau buổi tập còn giúp cơ thể bổ sung nước và điện giải.
Thời điểm nên tránh
Trước khi đi ngủ: Tránh uống nước khóm trước khi đi ngủ vì có thể gây khó tiêu và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Khi đói: Tránh uống nước khóm khi đói vì có thể gây kích thích dạ dày và gây khó chịu.
Lưu ý:
- Người có bệnh dạ dày nên hạn chế uống nước khóm vì tính axit có thể gây khó chịu.
- Không nên uống quá nhiều nước dứa, đặc biệt là khi đói.
- Nên chọn khóm tươi, chín tự nhiên để đảm bảo chất lượng.
- Khi sử dụng dứa như một bài thuốc đông y, cần có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa.
BS. Vũ Duy Thành
www.suckhoedoisong.vn