Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Tin tổng hợp
Ngày đăng:  16/05/2024, Lượt xem: 73

Bệnh vảy nến là sự tăng sinh quá mức của tế bào thượng bì kết hợp viêm nhiễm tầng thượng bì và trung bì. Bệnh thường xuất hiện ở những người có làn da sáng hơn so với người có làn da tối.
1. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Căn nguyên của bệnh vảy nến không rõ ràng nhưng lại liên quan đến sự kích thích quá mức của lớp tế bào sừng thượng bì. Bệnh thường theo gen di truyền trong gia đình, nếu như trong nhà có người trước đó đã từng bị thì khả năng của thế hệ sau vẫn có tỉ lệ bị cao. Các nghiên cứu cho thấy, người có xuất hiện gen và kháng nguyên HLA (Cw6, B13, B17), khi phân tích gen xác định có nhiều locus nhạy cảm dẫn đến vảy nến.
Rối loạn hệ thống miễn dịch: Cơ chế của hệ thống miễn dịch là phản lại các tác động xấu của bệnh tật, nhiễm trùng nhưng lại bị rối loạn tấn công nhầm vào các tế bào da khỏe mạnh.
Tác nhân kích thích gây tăng sinh quá mức của tế bào sừng được xác định bao gồm:
- Chấn thương.
- Cháy nắng.
- Bị nhiễm HIV.
- Nhiễm trùng liên cầu tan huyết beta (dẫn đến bệnh vảy nến guttate).
- Thuốc (đặc biệt là: chất chẹn beta, chloroquine, lithium, thuốc ức chế men chuyển ACE, indomethacin, terbinafine, và interferon-alfa).
- Căng thẳng cảm xúc.
- Uống rượu.
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.

Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất

2. Biểu hiện của bệnh vảy nến
Các dấu hiệu của bệnh vảy nến gồm:
- Làn da có các lớp vảy, phần vảy này giống như lớp nến bị cạo ra khỏi thân nến. Vì vậy nên bệnh được gọi là vảy nến.
- Phần vảy có màu trắng bạc, chúng hơi bong lên khỏi bề mặt da, phần rìa sẽ là màu hồng hoặc đỏ.
- Vùng da bị bệnh thường nứt nẻ, khô ráp và nặng nhất là bị chảy máu. Những vết nứt theo thời gian xuất hiện rõ ràng hơn. Với những người bị nứt da quá sâu sẽ thấy rỉ máu, chảy máu khá nguy hiểm.
- Ngứa da: Mắc vảy nến sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị ngứa ngáy. Những lớp vảy trên da cùng các vết nứt làm da khó chịu, khiến bệnh nhân muốn cho tay lên gãi. Tuy nhiên, càng gãi càng làm da bị nứt nặng hơn, lớp vảy bong tróc làm da ửng đỏ, tổn thương nặng hơn.
- Bệnh vảy nến hoàn toàn có khả năng dẫn tới lở loét. Nguyên do là bởi khi da xuất hiện các vết thương hở, mất đi hàng rào bảo vệ sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm xâm nhập và phá hủy tế bào.
- Khớp bị cứng và sưng: Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết vảy nến có thể gây tác động tới khớp. Dựa vào các số liệu thống kê từ các tổ chức y tế, bệnh vảy nến gây ảnh hưởng không ít khớp xương. Cụ thể, bệnh nhân mắc thêm chứng viêm khớp vảy nến. Ngoài tình trạng da bị bong tróc, ngứa rát, các khớp xương của bệnh nhân cũng đau nhức hơn, khi vận động gặp khó khăn. Biểu hiện này thường thấy nhất ở khớp chân và tay.

Người đã bị bệnh vảy nến chưa khỏi hẳn hoặc đã khỏi hẳn đều phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

3. Bệnh vảy nến có lây không?
Vảy nến không phải bệnh truyền nhiễm nên không thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Bệnh không khởi phát bởi vi khuẩn hay vi rút như: Nhiều bệnh lý khác... Do đó, hoàn toàn có thể thoải mái giao tiếp với những người không may mắc vảy nến.
Ngoài ra, không nên có thái độ xa lánh, e ngại, kỳ thị những người mắc vảy nến bởi suy nghĩ có thể bị lây bệnh. Điều đó càng làm bệnh nhân tự ti hơn, mặc cảm hơn và lo lắng khi phải giao tiếp với những người xung quanh.
4. Phòng bệnh vảy nến
Do bệnh vảy nến xuất phát chủ yếu do gen di truyền, rối loạn hệ miễn dịch nhưng không phải từ tác nhân bên ngoài nên việc phòng bệnh vảy nến chủ động là rất khó khăn. Tuy nhiên, đối với các tác nhân trên, người bệnh cần có những biện pháp cụ thể giúp thuyên giảm.
- Đối với người chưa mắc bệnh cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế tối đa việc bị nhiễm trùng, chấn thương… nhằm không tạo điều kiện phát bệnh, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Đối với người thuộc nhóm nguy cơ cao (gen di truyền trong gia đình tiền sử trước đó đã bị) thì cần có tầm soát bệnh tật, thăm khám định kỳ để phát hiện ra sớm, tránh bệnh tình ngày càng nặng hơn mà khó điều trị.
- Đối với người đã bị bệnh từ nhẹ đến nặng, cần phải trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp theo tình trạng bệnh, giai đoạn phát triển bệnh và kiểm soát nó.
- Ngoài ra, đối với những người đã bị bệnh vảy nến chưa khỏi hẳn hoặc đã khỏi hẳn đều phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Vệ sinh thân thể, môi trường xung quanh sạch sẽ, có chế độ ăn khoa học, lành mạnh và bổ sung các dưỡng chất như: Acid folic, omega-3…
5. Điều trị bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là một loại bệnh mạn tính do đó mà cần phải sử dụng thuốc lâu dài để điều trị.
Đến nay, bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị khỏi mà chỉ có thể làm giảm quá trình bệnh lý, kéo dài thời gian ổn định, giảm tái phát cho người bệnh.
Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị gồm: giai đoạn tấn công để làm sạch tổn thương và giai đoạn duy trì để duy trì sự làm sạch đó.
- Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến: Thuốc bôi tại chỗ, liệu pháp ánh sáng, thuốc điều trị đường toàn thân. Lựa chọn từng phương pháp điều trị riêng rẽ hay kết hợp các phương pháp cần phải cân nhắc về tuổi, giới tính, thể bệnh, mức độ bệnh, các phương pháp điều trị đã sử dụng trước đây.
- Thuốc bôi tại chỗ hiện nay được sử dụng thường có chứa thành phần: Corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin, retinoid, acid salicylic… thường được sử dụng cho các trường hợp vảy nến mức độ nhẹ hay trung bình.
- Các liệu pháp ánh sáng thường được sử dụng trong điều trị người bệnh vảy nến là: chiếu UVB, PUVA, Laser Excimer…
- Trường hợp vảy nến mức độ nặng hơn có thể được kết hợp điều trị với các thuốc đường toàn thân như: Methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid hay các thuốc sinh học.
- Thuốc sinh học gần đây là một bước tiến mới mang lại nhiều hi vọng cho người bệnh vảy nến khi cải thiện được chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh sau khi dùng thuốc sinh học có thể sạch hoàn toàn thương tổn, hết đau khớp và tự tin giao tiếp.
Chế độ ăn, uống, sinh hoạt dành cho người bệnh vảy nến
Chế độ ăn, uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người bệnh vảy nến. Mỗi người bệnh vảy nến thường có yếu tố khởi phát hay làm nặng lên tình trạng bệnh khác nhau. Vì vậy, bác sĩ điều trị kết hợp với người bệnh phải tìm được các yếu tố khởi động (một hoặc nhiều yếu tố) để có chiến lược khống chế và điều trị bệnh hiệu quả.
Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, acid béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten…
Hạn chế các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật hay các món ăn có hàm lượng đạm cao như: Thịt chó, ba ba. Đặc biệt, cần tránh các chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến nên trang bị hiểu biết của mình về bệnh để chung sống hòa bình, làm chủ căn bệnh, loại bỏ dần những căng thẳng bởi vì căng thẳng là một trong những yếu tố làm bệnh nặng lên.
Đặc biệt, người bệnh vảy nến không nên tự ý dùng thuốc (đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc chứa thành phần corticoid), tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và đến tái khám theo hẹn.
Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng. Người bệnh cần giữ ẩm cho da bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ít nhất 2 - 3 lần một ngày, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da.

ThS. BS. Nguyễn Văn Thanh
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan