Bệnh câm gây ra những thách thức riêng, nhưng những người mắc các tình trạng này vẫn có thể sống một cuộc sống trọn vẹn với sự hỗ trợ, điều trị và chăm sóc phù hợp.
1. Câm là gì?
Câm là tình trạng mất khả năng nói hoặc không thể phát âm được. Câm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Bẩm sinh hay mắc phải, phát triển vào một thời điểm nào đó sau khi sinh do các yếu tố như: Bệnh tật, chấn thương, tác dụng phụ của thuốc, chấn thương tâm lý, vấn đề phát triển hoặc các vấn đề về hệ thần kinh…
Việc xác định xem câm là bẩm sinh hay mắc phải, cần phải tiến hành đánh giá y khoa toàn diện để hiểu được nguyên nhân cơ bản.
Câm có thể được điều trị và hỗ trợ để cải thiện chất lượng cuộc sống. Những người khiếm thính và câm có thể giao tiếp bằng: Ngôn ngữ ký hiệu, giao tiếp bằng văn bản, đọc khẩu hình và các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ khác. Ngoài ra còn có nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau có thể giúp những người câm giao tiếp hiệu quả hơn.
Câm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bẩm sinh
2. Phân loại câm
Câm bẩm sinh
- Bẩm sinh: Một số trẻ em sinh ra đã bị câm điếc do các yếu tố môi trường hoặc diễn tiến thai kỳ không thuận lợi.
- Di truyền: Một số trẻ em sinh ra đã không thể nói do các yếu tố di truyền hoặc các đột biến gen. Một số loại gen liên quan đến câm điếc như: GJB2, GJB3... Nếu có sự thay đổi bất thường ở những gen này, trẻ em có thể bị câm điếc.
Câm mắc phải do tổn thương
- Tổn thương thần kinh: Các tổn thương não bộ do đột quỵ, chấn thương đầu, hoặc các bệnh thần kinh có thể dẫn đến mất khả năng nói.
- Tổn thương vật lý: Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng thanh quản, họng có thể làm mất khả năng nói.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như mất khả năng nói. Các loại thuốc này bao gồm: Thuốc chống loạn thần như fluphenazinel, một loại thuốc được sử dụng cho chứng rối loạn sử dụng rượu…
Ngoài ra còn có chứng câm chọn lọc được mô tả là một rối loạn tâm lý hiếm gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng không nói được trong những tình huống cần phải nói. Trẻ có khả năng trò chuyện bình thường, nhưng liên tục không nói được trong những tình huống cụ thể như ở trường hoặc với người lạ. Chứng câm chọn lọc thường khởi phát trước 5 tuổi.
Người câm có thể học những cách giao tiếp ngôn ngữ ký hiệu
3. Cách điều trị và hỗ trợ người câm
Người câm có thể cần điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của tình trạng câm đến cuộc sống hàng ngày của họ. Các phương pháp điều trị có thể kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau để phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Nếu gặp khó khăn trong việc giao tiếp, cần tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và ngôn ngữ trị liệu để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm: Công cụ hỗ trợ, liệu pháp ngôn ngữ và các biện pháp can thiệp khác phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân, bao gồm:
- Can thiệp y khoa: Trong trường hợp tổn thương vật lý, phẫu thuật hoặc các can thiệp y khoa có thể cần thiết. Nếu câm do các vấn đề y tế như: Tổn thương thần kinh, đột quỵ hoặc các bệnh lý khác, điều trị y tế và phục hồi chức năng có thể cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.
- Giáo dục đặc biệt: Các chương trình giáo dục đặc biệt và hỗ trợ từ cộng đồng có thể giúp người bị câm học cách giao tiếp hiệu quả hơn. Những người khiếm thính, câm có thể học những cách giao tiếp phi ngôn ngữa khác như: Đọc khẩu hình, ngôn ngữ ký hiệu...
- Thiết bị hỗ trợ: Là các công cụ được thiết kế để giúp những người gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói có thể giao tiếp hiệu quả hơn.
4. Có phòng ngừa được câm không?
Câm bẩm sinh không thể phòng ngừa. Phòng ngừa câm hoặc các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ và lời nói có thể bao gồm nhiều biện pháp, đặc biệt là khi được áp dụng sớm từ khi còn nhỏ, bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây hại như thuốc lá khi mẹ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Kiểm tra và chăm sóc sức khỏe thính giác, đảm bảo trẻ em được kiểm tra thính lực định kỳ. Điều trị kịp thời các vấn đề về tai như nhiễm trùng tai để tránh ảnh hưởng đến khả năng nghe và học ngôn ngữ.
DS. Vũ Thùy Dương
www.suckhoedoisong.vn