Canxi là một khoáng chất không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Nếu không được cung cấp đủ canxi thì sức khỏe sẽ chịu nhiều ảnh hưởng cả trong ngắn và dài hạn. Vậy ai dễ bị thiếu hụt canxi?
Đối tượng có nhu cầu canxi cao
Canxi là một trong 5 nguyên tố vi lượng quan trọng bậc nhất cho cơ thể (carbon, oxy, hydro, nitơ, canxi), nhưng cơ thể lại không thể tổng hợp được mà phải đưa từ bên ngoài vào qua các loại thực phẩm hoặc dược phẩm, hàng ngày sẽ bị mất đi qua mồ hôi và hệ bài tiết.
Một số đối tượng có nhu cầu canxi cao hơn bình thường hoặc có nguy cơ thiếu canxi do chế độ ăn uống không cân bằng hay cũng có thể do một số yếu tố khác.
Những đối tượng có thể bị thiếu canxi
1. Trẻ em, thanh thiếu niên dễ thiếu canxi
Trẻ em, thanh thiếu niên dễ bị thiếu canxi là do ở lứa tuổi này đang phát triển xương và răng, nên cần bổ sung calcium để hỗ trợ quá trình này. Nếu thiếu canxi, trẻ có thể bị: Suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn hay không phát triển chiều cao.
Thông thường đối với trẻ em và thanh thiếu niên mỗi ngày cần từ 800 - 1200mg canxi, nên chú ý tới liều lượng, tránh để thiếu hụt hay dư thừa canxi, vì đều không tốt cho sức khỏe. Bổ sung cho trẻ mỗi năm từ 2 đến 3 đợt, khoảng cách từ 3 đến 4 tuần.
Ngoài ra, cần cho trẻ hoạt động ngoài trời để có được vitamin D từ ánh nắng mặt trời lúc sáng sớm.
2. Người thường có chế độ ăn thiếu canxi
Một số quốc gia ở Đông Nam Á, Đông Á, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ có tỷ lệ thiếu canxi cao do chế độ ăn uống không đa dạng và giàu canxi. Người sống trong các khu vực này nên bổ sung calcium để bù đắp cho sự thiếu hụt từ thực phẩm.
3. Người ăn chay
Những người ăn chay có thể bị thiếu canxi do không ăn những thực phẩm làm từ sữa bò. Nguồn cung cấp canxi khác ngoài sữa bò là sữa đậu nành và các thực phẩm chế biến từ đậu nành, các loại rau có lá xanh, bánh mì, cam và quả mơ.
Canxi là một khoáng chất không thể thiếu đối với sức khỏe con người
4. Phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh
Khi bước vào giai đoạn này, phụ nữ có sự thuyên giảm sản xuất estrogen - một loại hormone giúp duy trì mật độ xương. Sau tuổi 40 khả năng tạo xương bị giảm đi, nhưng tình trạng loãng xương lại diễn ra liên tục. Việc estrogen suy giảm làm giảm sự kết nối giữa canxi và protein của khung xương.
Chế độ ăn uống chỉ cung cấp khoảng 50% lượng canxi và vitamin D. Trong giai đoạn này hàm lượng canxi cần cung cấp mỗi ngày là 1000 - 1200 mg canxi và vitamin D là 800 - 1000 IU/ngày. Do đó, chị em có thể cung cấp thêm bằng hình thức sử dụng thêm thuốc.
5. Người lớn tuổi
Khi già đi xương dễ bị mất canxi và trở nên yếu ớt. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở xương hông, xương cổ tay và xương đốt sống. Bổ sung canxi có thể giúp duy trì sức khỏe xương và phòng ngừa các chấn thương do gãy xương.
6. Người bệnh loãng xương, bị gãy xương
Loãng xương là một bệnh lý xương khiến xương mất canxi và trở nên giòn và dễ gãy. Người bệnh loãng xương cần bổ sung canxi để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương.
Khi bị gãy xương, cơ thể cần canxi để tái tạo và liên kết các mảnh xương lại với nhau. Việc bổ sung Calcium có thể giúp tăng tốc quá trình hồi phục và làm lành vết thương.
Ngoài ra, người mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa sẽ gây suy giảm khả năng hấp thu canxi. Một số bệnh lý đường tiêu hóa như: Viêm ruột, bệnh celiac, không dung nạp lactose có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi của ruột, dẫn đến thiếu canxi và các biến chứng về xương. Người có bệnh lý đường tiêu hóa nên bổ sung canxi theo sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Cách phòng tránh thiếu canxi
Mặc dù canxi rất cần thiết nhưng cơ thể không thể tự tạo ra canxi mà được cung cấp qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung. Tuy vậy, không phải ai cũng cần bổ sung canxi, vì nếu thừa canxi có thể gây ức chế việc hấp thu các chất khác như: Sắt và kẽm, từ đó sẽ làm cho cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này.
Mặt khác, thừa canxi còn gây ra tình trạng quá tải cho thận, nếu vẫn tiếp tục bổ sung quá so với nhu cầu cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.
Khi uống quá liều canxi, cơ thể sẽ xuất hiện những biểu hiện như: Khát nước, đi tiểu nhiều, buồn nôn, rối loạn nhịp tim,... Khi có các biểu hiện trên phải ngừng tất cả các nguồn cung cấp canxi và vitamin D, cần đến gặp bác sĩ ngay để được xử trí.
Sau khi đã thăm khám ở cơ sở điều trị uy tín và được chẩn đoán thiếu canxi, bác sĩ sẽ đưa ra các cách điều trị khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu canxi và nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Để không bị thiếu hụt canxi cần lựa chọn các loại thức ăn giàu canxi hàng ngày như: Sữa và các chế phẩm từ sữa (ví dụ: Bơ, phô mai, sữa chua,...) là nguồn cung cấp canxi quan trọng và phổ biến nhất.
Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu canxi như: Sữa và chế phẩm từ sữa; tôm, cua, cá, ốc; trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng; vừng, đậu nành, mộc nhĩ; các loại rau lá xanh như: Rau ngót, rau dền, rau cần, rau muống,…
BS. Nguyễn Văn Dũng
www.suckhoedoisong.vn