Backgroup Default
Thứ bảy, 22/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  28/05/2024, Lượt xem: 38

Mùa mưa thời tiết và môi trường ẩm ướt là thời điểm lý tưởng cho các mầm bệnh sinh sôi nảy nở gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vậy nên làm gì để phòng tránh những căn bệnh này? Dưới đây là 6 bệnh thường gặp nhất vào mùa mưa mà bạn cần cẩn trọng!
Cảm lạnh và bệnh cúm
Cảm lạnh và cúm là hai căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra nhất trong mùa mưa. Với sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cao, vi rút gây cảm lạnh và cúm dễ lây lan nhanh chóng. Cảm lạnh và cúm có những triệu chứng giống nhau, rất khó phân biệt như: nhức đầu, đau mình mẩy, sốt, ho, mệt mỏi và tiêu chảy (bệnh thường gặp ở trẻ em)...
Mặc dù cảm lạnh và cúm có thể tự khỏi sau 5-7 ngày nhưng cũng không nên chủ quan vì trong một vài trường hợp, bệnh có thể chuyển biến nặng sang viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai... Vì vậy, bạn nên tuân thủ những biện pháp phòng ngừa dưới đây để tránh mắc phải các căn bệnh này:
- Hạn chế chạm tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
- Tránh tiếp xúc với người cảm lạnh hoặc cúm.
- Ăn uống và nghỉ ngơi đủ, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Đây là một căn bệnh nguy hiểm gây ra bởi muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti (dân gian gọi là muỗi vằn). Mùa mưa là thời điểm mà muỗi này phát triển mạnh mẽ, do đó, nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết rất cao.
Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em với các triệu chứng như sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột,…
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nên để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh này, bạn cần:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà cửa: không để ao tù, nước đọng: thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy.
- Sử dụng các biện pháp tránh muỗi đốt: ngủ mùng kể cả ban ngày, dùng các loại kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay…

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính

Bệnh tiêu chảy cấp tính
Mùa mưa thường đi đôi với môi trường nước bị nhiễm bẩn. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, đi ngoài phân lỏng, có thể sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc sốt cao (hơn 38 độ C)...
Bệnh tiêu chảy được cho là cấp tính khi người bệnh có tới ba hoặc nhiều lần đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trong ngày. Tiêu chảy rất dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Bệnh tiêu chảy cấp tính hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu tuân thủ các biện pháp sau:
- Uống nước sạch và sử dụng nguồn nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng.
- Rửa tay sạch sẽ và đúng cách trước khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Hạn chế ăn rau sống hoặc thực phẩm còn sống.

Bệnh đau mắt đỏ
Mùa mưa cũng là thời điểm mà vi khuẩn và vi rút gây viêm mắt phát triển mạnh mẽ do nguồn nước dễ bị nhiễm bẩn. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và gây khó chịu cho người mắc với biểu hiện như: cảm giác cộm, ngứa, nóng rát mắt, sưng mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt…
Thông thường bệnh sẽ khỏi trong 1 tuần, nhưng nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể kéo dài hơn 4 tuần và dẫn tới biến chứng giác mạc, giảm thị lực. Do đó, bạn nên phòng tránh tốt bệnh đau mắt đỏ bằng cách:
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh.
- Giữ gìn vệ sinh cẩn thận, rửa tay thường xuyên và không đưa tay dụi mắt.
- Không dùng chung khăn mặt và thuốc nhỏ mắt với người khác.
Bệnh dị ứng
Mùa mưa nhiệt độ và độ ẩm luôn thay đổi đột ngột là nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng. Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể gặp các vấn đề về dị ứng như:
- Viêm mũi dị ứng: hắt hơi, sổ mũi, ho, nhức đầu, ngứa mũi, chảy nước mũi trong,…
- Dị ứng da: ban đỏ, ngứa, mề đay,…
Để phòng tránh bệnh dị ứng vào mùa mưa, bạn nên thực hiện một số gợi ý sau:
- Luôn mang theo ô (dù) hoặc áo mưa khi ra ngoài.
- Hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng như bụi mịn, phấn hoa, nấm mốc,…
- Giữ gìn vệ sinh: rửa mũi, tắm giặt, thay quần áo,… mỗi ngày
- Sử dụng máy điều hòa không khí nếu độ ẩm quá cao.
- Thường xuyên lau bụi và thông gió trong nhà để giảm mức độ dị ứng
Các bệnh về da
Một trong những bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhất là khi đường phố thường xuyên ngập nước, đó là các bệnh ngoài da như: chàm, nước ăn chân, ghẻ, viêm nang lông, mụn mủ trên da, …

Rửa tay thường xuyên với xà phòng để phòng bệnh trong mùa mưa

Bạn nên thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa các bệnh về da thường gặp trong mùa mưa:
- Chuẩn bị sẵn áo mưa hoặc các đồ bảo vệ khác khi đi ra ngoài.
- Nếu bị dính mưa nên thay ngay quần áo, lau khô người,…
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, quần áo,...
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: rửa tay thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ,…

Dược sĩ Khánh Huyền

Bài viết liên quan