Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra cảm giác: Hồi hộp, đau tức ngực, khó thở… là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không phát hiện sớm, theo dõi sát sao và điều trị kịp thời.
Người bệnh có thể giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch.
1. Lợi ích của việc tập luyện với người rối loạn nhịp tim
Tập luyện đúng cách và khoa học đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không cũng phụ thuộc vào chế độ sinh hoạt và tập luyện của người bệnh. Vì vậy, người bệnh rối loạn nhịp tim cần thiết lập một chế độ sinh hoạt và tập luyện lành mạnh giúp kiểm soát nhịp tim hiệu quả. Đặc biệt là đối với những người mắc bệnh rối loạn nhịp tim kèm theo rối loạn thần kinh thực vật, thường cảm thấy lo lắng, bất an dẫn đến căng thẳng và mất ngủ.
Các khuyến cáo cho thấy, việc tập luyện thể dục thường xuyên đều đặn qua các bộ môn như: Đi bộ, đạp xe, yoga hay ngồi thiền tối thiểu 30 phút hằng ngày; những bài tập hít thở sâu có hiệu quả tốt cho việc điều hòa nhịp tim. Tập luyện vừa phải giúp tăng cường máu đến tim và các cơ quan trong cơ thể.
Người hay tập thể dục đều đặn thường xuyên nguy cơ tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim thấp hơn hẳn so với những người không tập. Tập thể dục cũng là cách khắc phục tim đập nhanh, đập chậm, không đều. Ngoài ra, tập luyện cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như: Cao huyết áp hay đái tháo đường, tăng cường đề kháng cho cơ thể...
Đối với người bệnh rối loạn nhịp tim, tập luyện là cần thiết và là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Hầu hết những người có rối loạn nhịp tim không nên "kiêng" tập thể dục. Chỉ có một số ít loại rối loạn nhịp tim di truyền cần cân nhắc, tham khảo ý kiến của bác sĩ. Còn lại, đối với đại đa số những người bị rối loạn nhịp tim, bao gồm cả rung nhĩ, thì tập thể dục luôn được khuyến khích.
Đi bộ tập thể dục có hiệu quả tốt cho việc điều hòa nhịp tim
2. Bài tập dành cho người bệnh rối loạn nhịp tim
2.1 Bài tập yoga
Luyện tập yoga là giúp cải thiện tình trạng tim đập nhanh không đều, giúp tăng cường quá trình lưu thông máu, cải thiện chức năng hệ tim mạch.
Tư thế cây cầu:
Cách thực hiện như sau: Người tập nằm ngửa trên sàn, co đầu gối hướng lên trần nhà, hai bàn chân úp xuống sàn. Hai bàn tay đặt xuôi theo thân, lòng bàn tay úp xuống sàn. Ấn mạnh bàn chân và cánh tay xuống sàn làm điểm tựa, từ từ thở ra và nâng hông cao lên. Từ vị trí này, có thể giữ nguyên tay xuôi theo thân hoặc xoay mở vai, đưa hai tay đan vào nhau phía dưới lưng và duỗi thẳng hết mức có thể.
Lưu ý: Cố gắng giữ cho đùi và bàn chân song song, không để hai đầu gối chạm nhau. Dàn đều trọng lượng cơ thể trên cả hai bàn chân, nâng hông lên cao. Giữ tư thế tối đa một phút và thở đều.
Tư thế con cá:
Cách thực hiện như sau: Người tập bắt đầu ở tư thế nằm ngửa, chân đặt thẳng cạnh nhau, tay để thoải mái theo chân. Sau đó úp lòng bàn tay xuống sàn, hít vào đồng thời nhấc từng bên cơ thể lên để đặt tay xuống phía dưới mông, đưa khuỷu tay về gần eo.
Thở ra từ từ đồng thời nâng ngực, ngửa đầu, dùng 2 khuỷu tay làm trụ cho toàn bộ phần trên của cơ thể. Tiếp tục ngả đầu về sau cho tới khi đỉnh đầu chạm xuống sàn. Lưu ý: Dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể vào 2 khuỷu tay chứ không phải phần đầu.
Lưu ý: Hít vào và thở ra thật sâu bằng mũi và hít vào thở ra thật dài. Giữ tư thế này này trong tối đa ba phút nếu có thể. Nâng cao ngực và duỗi thẳng hai chân hết mức có thể.
2.2 Bài tập thở
Bài tập thở rất tốt cho sức khỏe tim mạch, đây là một trong những cách làm nhịp tim chậm lại, cải thiện tình trạng tim đập nhanh.
Cách thực hiện: Người tập nằm ngửa, gập đầu gối sao cho phần dưới bàn chân đặt trên giường. Đặt tay lên trên bụng hoặc vòng tay ôm hai bên bụng. Khép miệng lại và đặt lưỡi lên vòm miệng. Hít vào bằng mũi và kéo không khí xuống bụng, nơi đặt tay. Cố gắng tách các ngón tay ra theo nhịp thở. Từ từ thở ra bằng mũi. Lặp lại trong một phút, hãy cố gắng thở thật sâu để thư giãn cơ thể, giúp nhịp tim đập chậm rãi hơn.
2.3 Bài tập thở nhẩm đếm
Bài tập thở nhẩm đếm là bài tập cải thiện nhịp tim dễ dàng thực hiện ngay tại nhà, giúp mọi người cảm thấy thư giãn, ngủ ngon giấc hơn.
Cách thực hiện bài tập này như sau: Người tập thở thả lỏng cơ thể rồi hít vào bằng mũi, kết hợp với nhẩm đếm từ 1 đến 4 trong đầu để bụng được lấp đầy không khí. Tiếp theo, mọi người hãy hóp bụng vào, từ từ thở ra, cũng kết hợp với đếm từ 1 đến 4 trong đầu, cố gắng để không khí được đẩy ra tự nhiên nhất. Sau khi quen dần với bài tập này, mọi người có thể nâng dần độ khó lên, tập đến nhịp thứ 5,6,7,8…
2.4 Đi bộ
Đi bộ là hình thức thể dục thể thao đơn giản, rẻ tiền và khá phố biến hiện nay. Các bệnh nhân tim mạch nói chung, rối loạn nhịp tim nói riêng đều được khuyến khích áp dụng để cải thiện và nâng cao sức khỏe của mình.
Độ an toàn của đi bộ đối với các bệnh nhân rối loạn nhịp tim là rất cao. Đồng thời, nó có thể làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch nếu bạn thực hiện đều đặn, đúng cách. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tập thể dục đều đặn thì nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch nặng trong lúc tập giảm tới 50 lần so với những người lười vận động. Có tới 90% các biến cố tim mạch xảy ra ở những người ít vận động.
Người bị rối loạn nhịp tim cần tái khám sức khỏe thường xuyên
3. Những lưu ý khi tập luyện
Trên thực tế, việc bắt đầu luyện tập như thế nào, tập ra sao, bao nhiêu tiếng/ngày, tập môn nào là hiệu quả nhất sẽ rất khác nhau ở mỗi người. Do đó, mỗi lần đi khám bệnh, người bị rối loạn nhịp tim cần trao đổi thêm với bác sĩ để được hướng dẫn. Ngoài ra, cũng cần biết những lưu ý luyện tập an toàn dưới đây để hạn chế rủi ro:
- Cần tập luyện từ từ với cường độ thấp đến cao: Người bệnh mới tập luyện chỉ nên bắt đầu tập trong 5-10 phút, sau đó tăng dần thời gian tập và cường độ mỗi ngày. Nếu có triệu chứng: Đánh trống ngực, chóng mặt, đau ngực, có nghĩa là phải giảm cường độ.
- Cần chú ý theo dõi nhịp tim: Cần theo dõi nhịp tim, nếu nhịp tim có biểu hiện rối loạn (đau ngực, khó thở, hồi hộp) có nghĩa là cường độ bài tập quá nặng, khi đó nên giảm tốc độ bài tập. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nên chuyển sang các bài tập nhẹ nhàng hơn hoặc đi khám lại vì có thể diễn tiến của bệnh đang nặng lên.
- Nên tập thường xuyên và điều độ: Quan trọng nhất khi luyện tập cần có lịch trình tập thường xuyên và điều độ. Trước khi bắt đầu, người bệnh tham vấn bác sĩ và sắp xếp lịch tập cố định vào khoảng thời gian trong ngày và duy trì tối thiểu 3 buổi/tuần.
- Chú ý theo dõi sức khỏe: Mỗi một cơ thể, mắc các bệnh rối loạn nhịp tim khác nhau (chẳng hạn như rung nhĩ, rung thất, nhịp xoang nhanh, rối loạn thần kinh tim) sẽ có nhiều lựa chọn về các bài tập và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nên chọn các bài tập vừa phải, tăng cường sử dụng nhiều nhóm cơ và hạn chế các động tác mang vác quá nặng. Cần hiểu rằng, tập luyện chỉ là một trong rất nhiều cách để giúp ổn định nhịp tim bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ định, tái khám sức khỏe thường xuyên, kiểm soát chế độ ăn mỗi ngày...
Tóm lại: Với những người có vấn đề về tim mạch, cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện với cường độ phù hợp. Tốt nhất là chỉ chọn những môn thể thao không đòi hỏi nhiều thể lực như: Đi bộ, thể dục nhẹ nhàng, tập thở… Đặc biệt, cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ-xương-khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động.
DS. Nguyễn Thị Hồng
www.suckhoedoisong.vn