Nấm Candida âm đạo gây kích ứng, ngứa dữ dội và tiết dịch nhiều ở âm đạo và âm hộ, bệnh rất dễ tái phát.
Nấm Candida âm đạo là bệnh gì?
Nấm Candida âm đạo là bệnh phổ biến ở phụ nữ trưởng thành có quan hệ tình dục. Một số thống kê cho thấy, có đến 75% phụ nữ sẽ bị nấm Candida âm đạo ít nhất một lần trong đời. Hơn một nửa số này sẽ mắc từ hai lần trở lên.
Nhiều nguyên nhân khiến nấm Candida sinh sôi và phát triển mạnh tại âm đạo và gây bệnh, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân chính như:
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách: Sử dụng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh hoặc thụt rửa sâu trong âm đạo, làm mất sự cân bằng tự nhiên của môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển.
- Thói quen mặc quần lót chật, không thoáng mồ hôi.
- Không thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kỳ kinh hoặc sử dụng băng vệ sinh chất lượng kém.
- Quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình.
Một số trường hợp có nguy cơ cao hơn bị nhiễm nấm như:
- Nấm âm đạo ở phụ nữ mang thai: Do thời gian mang thai sẽ gia tăng nồng độ estrogen và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo. Tình trạng này có thể gặp ở phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hoặc phụ nữ đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone…
- Nấm âm đạo do lạm dụng thuốc: Lạm dụng kháng sinh phổ rộng hoặc corticoid trong thời gian dài gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, bao gồm cả môi trường âm đạo. Từ đó tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển gây viêm nhiễm.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Các trường hợp suy giảm hệ miễn dịch như: HIV/AIDS, đái tháo đường, ung thư, ghép tạng… cũng sẽ tăng nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo cao hơn.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm nấm âm đạo do mất cân bằng nội tiết tố
Triệu chứng điển hình nhất là: Ngứa âm hộ/âm đạo, nóng rát hoặc kích ứng, dịch tiết âm đạo đặc, màu trắng, giống như sữa đông dính vào thành âm đạo. Tình trạng ngứa, kích ứng, đau tăng hơn sau khi giao hợp. Thậm chí có thể xuất hiện ban đổ phù nề, trầy da dẫn đến đau xót khi đi tiểu tiện, vệ sinh âm đạo.
Nếu bệnh không được điều trị sớm, có thể tiến triển nặng hơn khiến vùng kín phù nề và lan ra cả vùng xung quanh. Do đó, ngay khi nhận thấy một trong những dấu hiệu nêu trên, cần đến chuyên khoa phụ sản để được khám và điều trị sớm (giúp bệnh mau khỏi, không lây lan rộng và ngăn ngừa biến chứng).
Mức độ nguy hiểm của viêm âm đạo do nấm Candida phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Đặc biệt, nấm có nguy cơ cao lây nhiễm nấm cho người chồng/bạn tình. Nếu quan hệ tình dục không chung thủy còn lây nhiễm sang bạn tình khác. Khi nấm Candida phát triển ngược lên phần phụ, có thể gây tắc vòi trứng dẫn đến hiếm muộn, vô sinh…
Điều trị nấm Candida âm đạo thế nào?
Tùy nguyên nhân nhiễm nấm Candida âm đạo và mức độ thương tổn, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị viêm nấm Candida phổ biến là sử dụng thuốc kháng nấm dạng uống, dạng đặt hoặc dạng bôi ngoài.
- Thuốc uống chống nấm: Ưu tiên dùng fluconazole uống một liều duy nhất. Thuốc uống thường chỉ định trong tình huống nấm Candida phát triển nhanh, có nguy cơ lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng nấm và một số loại thuốc khác để ức chế hoạt động gây viêm, đồng thời ngăn sự phát triển và lan rộng của nấm để tránh gây ra những vấn đề sức khỏe khác.
Các thuốc kháng nấm đường uống điều trị viêm âm đạo do nấm Candida như: Ibrexafungerp và oteseconazole, có thể được chỉ định khi bệnh nhân không dùng được thuốc azole bôi hoặc không đáp ứng với fluconazole đường uống.
Trường hợp bệnh nhân bị tái phát thường xuyên (4 đợt trở lên trong 12 tháng trước đó) cần điều trị lâu dài bằng thuốc uống fluconazole hàng tuần đến hàng tháng hoặc ketoconazole mỗi ngày một lần, kéo dài trong 6 tháng.
Các thuốc này gây tác dụng phụ ở gan, do đó cần phải được xét nghiệm chức năng gan định kỳ trong trường hợp phải dùng thuốc lâu dài. Bệnh nhân có rối loạn chức năng gan không được dùng thuốc.
Thuốc đặt âm đạo là một trong những biện pháp điều trị nhiễm nấm Candida phổ biến
- Thuốc đặt chống nấm: Thuốc đặt âm đạo là một trong những biện pháp điều trị nhiễm nấm Candida được chỉ định với nhiều bệnh nhân. Các hoạt chất có trong thuốc đặt âm đạo sẽ phát huy tác dụng tiêu diệt tế bào nấm tương đối nhanh chóng, nhờ đó ức chế được hoạt động và sự phát triển của nấm ở vùng kín. Tuy nhiên, có rất nhiều loại thuốc đặt âm đạo trị nấm Candida với các công dụng khác nhau. Vì vậy, tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng sản phẩm nào phù hợp.
- Thuốc chứa hormone estrogen: Giúp kích thích sản xuất glycogen, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Lactobacillus phát triển. Thuốc cũng giúp tăng tiết acid lactic và tạo môi trường có tính acid nhằm hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, bao gồm cả nấm Candida.
- Thuốc đặt âm đạo chứa kháng sinh: Thuốc có thể chứa một hoặc phối hợp nhiều loại kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị đồng thời tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
- Thuốc bôi điều trị viêm âm đạo do nấm Candida: Các thuốc này được dùng để cải thiện các triệu chứng như: Đau rát, ngứa ngáy và khó chịu ở vùng kín. Thuốc dạng bôi còn ngăn ngừa sự phát triển của nấm lây lan ra phía ngoài vùng kín. Các thuốc này bao gồm: Butoconazole, clotrimazole, miconazole, tioconazole.
Tuy nhiên, các loại kem bôi và thuốc mỡ có chứa dầu khoáng hoặc dầu thực vật làm suy yếu bao cao su và màng ngăn làm từ latex. Do đó, khi dùng thuốc nên tránh quan hệ tình dục. Nếu có quan hệ tình dục thì việc sử dụng bao cao su là không an toàn cho biện pháp tránh thai.
Lưu ý khi dùng thuốc trị nấm Candida âm đạo
Nhiễm nấm Candida có thể gặp ở nhiều trường hợp. Mỗi trường hợp sẽ được chỉ định dùng thuốc khác nhau nhằm tránh các nguy cơ không an toàn. Ví dụ, với trường hợp phụ nữ mang thai, người có tiền sử bệnh gan, thận… sẽ có phác đồ điều trị khác với nhóm bệnh nhân có sức khỏe bình thường. Do đó, tuyệt đối không được tự mua về sử dụng và cũng không được sử dụng toa thuốc của người bệnh khác.
Trong quá trình dùng thuốc, nếu nhận thấy vùng kín có các dấu hiệu bất thường, cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn đổi sang loại thuốc phù hợp hơn.
Nên điều trị song song cùng với bạn tình để ngăn ngừa nhiễm nấm tái phát.
BS. Đỗ Thị Dung
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn