Backgroup Default
Thứ năm, 27/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  12/03/2024, Lượt xem: 86

Bệnh dại là một loại bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, thường thông qua vết cắn hoặc sự tiếp xúc với nước bọt của động vật. Các triệu chứng của bệnh dại rất trầm trọng và hầu như đều dẫn đến tử vong. Vì thế, việc chủ động phòng chống bệnh dại cho bản thân và gia đình là điều cần thiết.
1. Phòng chống bệnh dại như thế nào?
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh dại, nhưng công tác phòng chống vẫn chưa được thực hiện triệt để. Đặc biệt là việc tiêm phòng dại ở vật nuôi.
Phòng ngừa bệnh dại ở vật nuôi
Hãy ngăn chặn nguồn lây nhiễm bệnh dại bằng cách đảm bảo thú cưng của gia đình không bị mắc bệnh dại. Bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Định kỳ cho thú cưng của bạn đến gặp bác sĩ thú y và thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chúng. Việc tiêm phòng dại cần thực hiện cho hầu hết các loại thú cưng như mèo, chó, chồn,...
Bước 2: Kiểm soát hoạt động sống của thú cưng để đảm bảo chúng không tiếp xúc với các động vật nhiễm bệnh khác. Ngoài ra, việc quan sát chúng giúp bạn sớm phát hiện được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dại.
Bước 3: Triệt sản hoặc thiến thú cưng của bạn nếu bạn không thể chăm sóc đúng cách và thực hiện tiêm phòng thường xuyên khi có nhiều thú cưng hơn.
Bước 4: Nếu phát hiện các động vật đi lạc ở khu vực bạn sinh sống, hãy thông báo cho các cơ quan kiểm soát động vật để phòng tránh lây lan bệnh dại. Vì những động vật này có thể đã nhiễm bệnh hoặc chưa được tiêm phòng.
Mặc dù động vật hoang dã có nhiều khả năng bị bệnh dại hơn động vật nuôi trong nhà, nhưng động vật nuôi trong nhà vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, con người thường tiếp xúc với động vật nuôi trong nhà nhiều hơn. Vì thế, việc tiêm phòng dại cho động vật nuôi trong nhà là điều rất cần thiết.
Khi động vật bị mắc bệnh dại, chúng có xu hướng hung dữ và thích tấn công con người. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ em. Vì thế, việc tiêm phòng vắc xin dại ở vật nuôi giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan sang con người. Ngoài ra, nếu thú cưng của bạn đã tiêm phòng vắc xin dại, bạn có thể dễ dàng đưa chúng đi du lịch sang các nước khác hơn.

Thực hiện tiêm phòng dại cho thú cưng (Ảnh minh họa)

Nâng cao hiểu biết về bệnh dại
Bằng cách nâng cao hiểu biết và cảnh giác với bệnh dại, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và gia đình. Vì thế, hãy nắm vững các nguyên tắc sau:
Tìm hiểu và ghi nhớ về các triệu chứng của bệnh dại ở chó hoặc các động vật khác. Điển hình như: cắn hoặc gây hấn vô cớ, chảy nước dãi hoặc sùi bọt mép, ăn những thứ bất thường (như que, đinh,...), co giật, tiếng sủa khàn, có tiếng gầm gừ, khó nuốt, sợ uống nước, có những hoạt động bất thường,...
Giám sát trẻ em khi chúng lại gần động vật.
Thường xuyên tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi và gia súc của gia đình
Dạy trẻ em về những hành vi nguy hiểm của động vật và thông báo khi bị động vật cắn.
Tránh chạm hoặc cho ăn đối với động vật lạ, đi lạc hoặc hoang dã.
Báo cáo với cơ quan y tế hoặc cơ quan kiểm soát động vật khi có một con vật xuất hiện những hành động kỳ lạ.
Làm sạch vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế nếu bạn nghi ngờ rằng mình đã tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nếu bạn có nguy cơ cao bị mắc bệnh dại (Ví dụ: Bạn phải làm việc với động vật hoặc đi tới một quốc gia có lưu hành bệnh dại).
2. Phải làm sao nếu bị cắn bởi con vật bị dại?
Nếu bạn nghĩ rằng mình đã tiếp xúc hoặc bị một con vật nghi ngờ mắc bệnh dại cắn, hãy nhanh chóng liên hệ với các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc đến bệnh viện ngay lập tức. Trong thời gian chờ sự can thiệp của y tế, bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh dại:
Loại bỏ phần quần áo đã tiếp xúc với động vật và rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước. Hãy để vết thương dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút. Sau đó bạn có thể bôi cồn hoặc I ốt để sát trùng.
Chú ý không băng bó vết thương
Nếu có thể, hãy bắt giữ con mật mà không gây thêm thương tích gì và không giết con vật bằng một cú đánh hoặc bắn vào đầu. Vì vết thương ở đầu có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các xét nghiệm.
Xác định xem con vật cắn bạn có mắc bệnh dại hay không: Ghi nhớ các hành động, đặc điểm của con vật và hoàn cảnh chúng cắn bạn. Nếu con vật cắn bạn là thú cưng hoặc động vật trong trang tại, hãy nhốt và quan sát chúng trong khoảng 10 ngày. Nếu là động vật hoang dã, mà có thể tìm thấy hoặc bắt giữ, cần thực hiện các xét nghiệm để tìm vi rút dại. Nếu con vật được khẳng định là không mắc bệnh dại, bạn có thể không cần tiêm phòng. Tuy nhiên, nếu không thể tìm thấy con vật đã cắn bạn, thì trong một số trường hợp nhất định, cách an toàn nhất là giả định rằng con vật đã mắc bệnh dại và tiến hành tiêm phòng.

Rửa sạch vết thương với nước và xà phòng khi bị cắn (Ảnh minh họa)

3. Bị chó cắn bao lâu thì tiêm phòng?
Nếu bị chó cắn và nhận thấy có nguy cơ cao mắc bệnh dại (con chó có triệu chứng của bệnh dại hoặc không thể tìm thấy chúng) thì việc thực hiện tiêm phòng nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Nếu đã bắt được con vật và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra thì thời gian chờ tối đa được khuyến nghị là 48 giờ.
Tuy nhiên, nếu con vật không có biểu hiện của bệnh dại, cần bắt nhốt lại và quan sát chúng. Thời gian quan sát tối đa là 10 - 14 ngày. Nếu trong khoảng thời gian đó, con chó bị phát dại hoặc chết thì nên nhanh chóng thực hiện tiêm phòng. Còn sau 14 ngày, nếu con chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì nạn nhân không cần phải tiêm phòng dại nữa.
Tóm lại, việc phòng ngừa bệnh dại là rất quan trọng. Vì không chỉ khi mắc bệnh và ngay cả việc tiêm phòng vắc xin dại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của con người. Vì thế, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điển hình nhất là cho thú cưng đi tiêm phòng dại.
TLTK:
1. CDC (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 06 năm 2019), Prevention Rabies, CDC. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023
2. Canada.ca (Ngày đăng: Ngày 04 tháng 03 năm 2023). Prevention of rabies, 3. Canada.ca. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.
3. Nhiễm poliovirus: Nguyên nhân. chẩn đoán và hướng dẫn điều trị theo BMJ.
4. Mayo Clinic (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 11 năm 2021). Rabies, Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.
5. Hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất IVAC: SAR huyết thanh kháng dại. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.
6. Bệnh dại: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa hiệu quả theo BMJ. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.
7. Canada.ca (Ngày đăng: Tháng 01 năm 2015). Rabies vaccine: Canadian Immunization Guide, Canada.ca. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.

Tác giả: Dược sĩ Lưu Anh

Bài viết liên quan