Backgroup Default
Thứ tư, 8/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  06/01/2025, Lượt xem: 31

Hội chứng chân không yên (bệnh Willis-Ekbom) là tình trạng đôi chân cảm thấy rất khó chịu khi đang ngồi hay nằm xuống. Nó làm cho người mắc phải đứng lên và di chuyển xung quanh.
Thế nào là hội chứng chân không yên?
Hội chứng chân không yên có thể bắt đầu ở bất cứ tuổi nào và thường nặng hơn khi già đi. Phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới phát triển vấn đề này. Hội chứng chân không yên có thể phá vỡ giấc ngủ, làm xuất hiện những cơn xung động thần kinh không kiểm soát xuống chân.

Hội chứng chân không yên là tình trạng đôi chân cảm thấy rất khó chịu khi đang ngồi hay nằm xuống

Tình trạng bứt rứt ở chân không diễn ra liên tục, thường gặp ở buổi tối hoặc ban đêm khi bạn ngồi và nằm nhiều. Đặc biệt, nó có thể xảy đến khi bạn đang ngủ, gây phá vỡ giấc ngủ. Điều này khiến người bệnh thiếu ngủ, khó khăn trong đi lại.
Có nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng, gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân có tình trạng lo lắng, bồn chồn, bứt rứt ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày.
Nguyên nhân gây hội chứng chân không yên
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ bao gồm:
Yếu tố di truyền
Theo nghiên cứu, có tới 50% số bệnh nhân mắc Willis-Ekbom trong gia đình có ít nhất 1 người từng mắc bệnh. 1 trong các nhiễm sắc thể được xác định gây ra Willis-Ekbom.
Phụ nữ mang thai
Thay đổi hormone tạm thời trong cơ thể phụ nữ mang thai được xác định làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ và làm bệnh nặng hơn nếu đã mắc từ trước và hầu hết gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ và thường biến mất khoảng 1 tháng sau khi sinh.
Chế độ dinh dưỡng và lối sống
Căng thẳng, stress tinh thần kéo dài khiến hội chứng chân không yên diễn tiến nặng hơn. Chế độ ăn và môi trường sống cũng có tác động nhất định đến bệnh lý này ở nhiều người.
Mắc một số các bệnh khác
Các bệnh tiểu đường, nghiện rượu, người có tiền sử chảy máu dạ dày, ruột, thiếu máu thiếu sắt, ra nhiều kinh nguyệt, rối loạn tập trung,… cũng có khả năng bị hội chứng chân không yên cao hơn.

Tình trạng bứt rứt ở chân không diễn ra liên tục, thường gặp ở buổi tối hoặc ban đêm khi bạn ngồi và nằm nhiều

Dấu hiệu nhận biết hội chứng chân không yên
Cảm giác đặc trưng của hội chứng chân không yên:
- Cảm giác vô cùng khó chịu ở chân và bị thôi thúc phải di chuyển chân để làm giảm cảm giác này.
- Khi nghỉ ngơi, nhất là lúc nằm hoặc ngồi chân cảm giác rất khó chịu, ngứa, đau như kim đâm, lổm ngổm ở chân.
- Khi ngồi dậy hoặc cử động, cảm giác của hội chứng chân không yên sẽ giảm.
- Nếu ngồi hoặc nằm lâu như: Nằm ngủ, ngồi trong xe ô tô, rạp chiếu phim, máy bay … thì lại xuất hiện hội chứng này.
Liệu pháp chăm sóc và điều trị tại nhà
- Tập thể dục thường xuyên, đi xe đạp, đi bộ, tránh vận động mạnh trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
- Không đọc sách, xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại khi nằm trên giường, không uống cà phê, trà chứa caffeine trước khi đi ngủ, ngủ đủ giấc.
- Ngâm chân trong bồn nước ấm và chườm nóng/ chườm lạnh.
- Giảm căng thẳng.
- Giảm rượu, cafein.
- Xoa bóp, mát xa chân.
- Tránh sử dụng các nhóm thuốc có thể tăng nặng như: Chống trầm cảm, an thần kinh, chống nôn, kháng histamin…
- Tầm soát thiếu hụt sắt bằng các xét nghiệm ferritin, sắt, độ bão hòa transferin, tổng lượng sắt gắn kết (Total Iron Binding Capacity) và bổ sung cho các bệnh nhân thuộc nhóm này đã được khẳng định.
- Theo dõi và xét nghiệm định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Chế độ dinh dưỡng nên kết hợp nhiều loại trái cây và rau quả. Ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh, đặc biệt là thịt nạc. Thực phẩm giàu vitamin C: Nước ép cam quýt, trái cây (bưởi, cam, quýt, dâu tây, kiwi…), cà chua, ớt…
Người bệnh nên đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc hội chứng chân không yên và đi kèm với các tình trạng sau:
- Mất ngủ thường xuyên.
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn tăng lên.
- Mất tập trung.

BS. Nguyễn Thành Trung
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan