Backgroup Default
Thứ bảy, 14/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  01/11/2024, Lượt xem: 108

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm giúp phổi, phế quản tống các chất dịch, đờm, dị vật ra khỏi đường hô hấp. Đây là vấn đề thường gặp, nhất là khi thời tiết đang hanh khô như hiện nay.
Các dạng ho thường gặp
Ho từng cơn
Ho khan nhiều lần và tạo thành từng cơn trong một thời gian ngắn. Cơn ho này tăng áp lực trong ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên nên người bệnh bị đỏ ở mặt, cổ nổi tĩnh mạch, chảy nước mắt, thậm chí nôn ói. Điển hình nhất trong dạng ho này là ho gà – người bệnh đau ê ẩm ở ngực, lưng, bụng do các cơ hô hấp bị co bóp quá mức.
Ho khan kéo dài
Tình trạng ho thường không có đờm, thậm chí ho nhiều, ho dữ dội. Ho khan kéo dài thường liên quan đến: Các bệnh ở thanh quản, viêm tai, viêm xương chũm mạn tính, ung thư phế quản, xơ phổi, phù phổi bán cấp, ung thư phổi, lao kê hoặc do tràn dịch mạn tính màng phổi.
Ho khan kéo dài còn xảy ra do cơ chế miễn dịch dị ứng (hen) của cơ thể bị kích thích, do thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp (coversyl) ở người sử dụng lâu năm.
Ho kéo dài về đêm
Ban ngày bạn chỉ ho khan, không có dấu hiệu cảm cúm hay viêm họng, nhưng ban đêm hay khi ngủ trưa lại bị ho, ngứa họng, ho dai dẳng khiến bạn mất ngủ, mệt mỏi. Bệnh thường do hen suyễn, viêm xoang, trào ngược acid trong dạ dày thực quản…
Khi bị ho nhiều nên làm gì?
Ho thường là phản xạ tự nhiên của cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn, dị vật, tình trạng cơ thể bị rối loạn do bệnh… nhất là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Cần đi khám bác sĩ ngay nếu ho khan kéo dài có kèm theo: Sốt, khó thở, tím tái, suy kiệt...
Ho kéo dài trên 3 tuần, uống thuốc không giảm, kèm theo sốt hoặc ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, hơi thở nông hoặc đau ngực khi ho… cần báo bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Ho thường là phản xạ tự nhiên của cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn, dị vật...

Để giảm ho hiệu quả cần chú ý gì?
Dù bất kể nguyên nhân là gì, dù ho khan hay ho có đờm thì cảm giác khó chịu, mệt mỏi sau những cơn ho có thể ảnh hưởng đến từng bữa ăn, giấc ngủ và mọi sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số gợi ý có thể hữu ích cho bạn:
- Uống nước ấm, đủ 2 lít mỗi ngày sẽ giúp giảm ho bởi việc uống nhiều nước ấm là cần thiết đối với người bị ho khan hay ho có đờm. Nếu bị ho khan, nước có vai trò cấp ẩm cho cổ họng, giúp cổ họng ít bị kích thích hơn, hạn chế cơn ho khan. Đối với bệnh nhân ho có đờm, nước ấm giúp long đờm, từ đó giúp tống đờm ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, lòng bàn tay – chân. Việc giữ ấm và không tiếp xúc với nước lạnh hoặc gió lạnh sẽ giúp tránh tăng triệu chứng ho. Khi ra ngoài trời lạnh thì nhớ mang khăn, mũ tránh gió lạnh... điều này sẽ làm giảm và phòng ho hiệu quả.
- Nên tắm nước ấm, vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý. Súc miệng bằng nước muối là biện pháp phổ biến và thực tế nhất được áp dụng khi bị ho. Súc miệng nước muối ấm nhiều lần trong ngày sẽ giúp làm loãng đờm, đào thải các vi khuẩn gây ho ra khỏi cơ thể, đồng thời giảm sưng viêm họng.
- Tập thể dục thường xuyên. Tăng cường vận động, thư giãn và giảm căng thẳng để tăng sức đề kháng của cơ thể cũng sẽ giúp giảm ho.
- Tránh đồ ăn lạnh, nước đá, thuốc lá, rượu, bia, đồ ăn cay như: Tiêu ớt, mù tạt, đồ chiên rán, đồ ăn cứng gây khó nuốt và dễ kích thích ho.
- Tăng cường miễn dịch bằng thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, C, E… như: Cam, bưởi, rau xanh, thịt bò, sữa chua…
- Áp dụng một số biện pháp dân gian ở giai đoạn mới chớm của bệnh như: Mật ong hấp lá hẹ; húng chanh hấp quất (tắc) đường phèn; chanh đào/hoa đu đủ ngâm mật ong… hoặc đơn giản hơn là dùng thuốc ho từ thảo dược kết hợp cùng phác đồ điều trị bệnh theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Các biện pháp giúp phòng tránh ho
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với người bệnh và động vật hoang dã.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc ở trong môi trường ô nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng như: Bụi, phấn hoa, lông động vật...
- Tránh hút thuốc lá và giảm tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với gió lạnh, nước lạnh.

BS. Trần Tuấn Anh
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan