Backgroup Default
Thứ hai, 5/11/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  01/11/2024, Lượt xem: 12

Việc tầm soát đột quỵ nhằm giúp sớm phát hiện các yếu tố bất thường, kiểm soát và điều trị những bệnh mạn tính liên quan, vốn là nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào và bất kỳ thời gian nào.
Ai nên tầm soát đột quỵ?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ đột quỵ. Thậm chí, tai biến mạch máu não ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Trẻ em, thanh thiếu niên cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Do đó, tất cả mọi đối tượng đều nên chủ động sàng lọc hay tầm soát đột quỵ từ 1 - 2 lần mỗi năm.
Những người có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ.
- Mắc các bệnh lý như: Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đái tháo đường, đau nửa đầu Migraine, bệnh lý tim mạch, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,…
- Cao huyết áp
- Thừa cân, béo phì, hàm lượng cholesterol cao.
- Lạm dụng thuốc tránh thai.
- Sử dụng hormone sau mãn kinh.
- Ít vận động, luyện tập thể dục, thể thao.
- Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu, bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.

Việc tầm soát đột quỵ nhằm giúp sớm phát hiện các yếu tố bất thường, kiểm soát và điều trị những bệnh mạn tính liên quan, vốn là nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ

Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Nếu như không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng liên quan đến các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể người bệnh như:
- Tàn tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, mức độ phụ thuộc vào khoảng thời gian mà não bị thiếu máu cục bộ và các bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng do tế bào não bị tổn thương.
- Bị tê liệt, mất khả năng vận động.
- Mất khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và cử động của miệng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt.
- Suy giảm trí nhớ, nhận thức.
- Khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ thu mình và có thể bị trầm cảm.
Khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, người dân nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian chờ xe cấp cứu, đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên trên nền phẳng, nới lỏng quần áo, kéo lưỡi bệnh nhân để tránh tụt lưỡi ra sau gây tắc nghẽn đường thở. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống nước hay dùng thuốc, không áp dụng các phương pháp dân gian như: Cạo gió, chích 10 đầu ngón tay, vắt chanh vào miệng,...
Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa nếu bệnh nhân vẫn còn thở được. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.
Việc sơ cứu ban đầu thành công sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của một ca cấp cứu, do vậy việc cấp cứu ngoài cộng đồng là rất cần thiết và cần được coi như kỹ năng sống của mỗi người.
Cách phòng ngừa đột quỵ
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Tăng cường tập thể dục. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần.
- Kiểm soát huyết áp bằng cách hạn chế muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao như đồ ăn được chế biến sẵn. Những người có tiền sử cao huyết áp cần dùng thuốc giảm huyết áp dúng theo chỉ định.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia, chất kích thích.
- Chọn nước uống có lợi cho sức khỏe. Đó là nước lọc, trà xanh, nước ép trái cây, rau củ, sữa và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế nước ngọt có đường, nước ép trái cây đóng hộp…
- Cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
- Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

BS. Đào Thu Hoa
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan