Bong gân cổ chân xảy ra khi có sự giãn hoặc rách dây chằng do chấn thương. Hay gặp nhất là ở những người phải làm việc nặng nhọc hay thường xuyên chơi thể thao. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại.
Các mức độ bong gân
Bong gân là một trong những trường hợp thường gặp, đôi khi không phải là những chấn thương nặng mà chỉ vô tình bước hụt cũng khiến tình trạng bong gân cổ chân xảy đến. Mức độ bong gân được chia làm 3 mức cụ thể như sau:
Ở mức độ nhẹ khi bong gân ở cổ chân. Xảy ra khi có lực tác động vào nhưng không quá lớn, chỉ đủ để gây nên sự giãn dây chằng nhẹ. Lúc này, bạn sẽ thấy cổ chân xuất hiện vết sưng nhỏ kèm theo cảm giác đau nhẹ.
Với mức độ nặng hơn dây chằng vùng cổ chân có khả năng cao sẽ bị rách hoặc đứt một phần. Bệnh nhân sẽ thấy tình trạng sưng phù kèm theo vết thâm khá lớn. Lúc này việc đứng dậy hay đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nếu nặng, khi ở mức độ phần dây chằng có ở cổ chân của bạn sẽ bị đứt một cách toàn bộ. Điều này sẽ khiến cho cổ chân bị sưng và vết bầm tím cũng xuất hiện lớn. Việc đứng dậy sẽ gây cảm giác cực đau đớn và cổ chân không thể đứng vững nổi.
Biểu hiện đặc trưng khi bị bong gân cổ chân
Khi bong gân cổ chân biểu hiện rõ là: Đau cổ chân, sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân, đi lại khó khăn. Lý do là sự tác động khớp cổ chân khiến cho dây chằng xung quanh vùng khớp bị tổn thương. Cùng lúc đó, bong gân cổ chân xuất hiện tiếng kêu rắc giống như khi bẻ khớp ngón tay. Các vết thâm tím và sưng tùy vào từng mức độ chịu lực. Sự đau âm ỉ, khó chịu vùng bị bong gân và việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Bong gân cổ chân là vấn đề hay gặp trong cuộc sống hàng ngày
Cần làm gì khi bị bong gân cổ chân và cách dự phòng tái phát?
Các triệu chứng bong gân thường xảy ra nhanh chóng, một số người sẽ tự lành theo thời gian. Tuy nhiên, một phần lớn trường hợp dẫn đến các vấn đề dai dẳng như: Tăng độ lỏng lẻo, đau lâu ngày, nguy cơ tái chấn thương lên đến 70%.
- Cách xử trí đúng là ngay lúc chấn thương áp dụng ngay cố định khớp cổ chân bằng nẹp.
- Hạn chế tì nén chân đau. Có thể sử dụng nạng hỗ trợ khi đi lại.
- Để giảm đau có thể chườm túi nước đá lên vùng sưng đau nhiều lần sau chấn thương, mỗi lần 10 - 20 phút trong 24 - 72 giờ đầu.
- Để cố định nơi tổn thương có thể dùng băng thun băng ép nhẹ cổ chân trong 24 - 36 giờ đầu.
- Ngồi hoặc nằm kê chân cao 2 - 3 giờ mỗi ngày. Điều này sẽ giúp đỡ sưng nề và bầm tím. Trường hợp đau nhiều có thể sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối không nên xoa bóp dầu nóng, thuốc rượu, đắp muối, vì sẽ làm bầm tím nhiều hơn và dây chằng lành không tốt.
Khi giảm sưng, đau khoảng sau 5 - 7 ngày, phải tập phục hồi ngay. Chương trình tập gồm 3 phần chính:
- Lấy lại tầm vận động và sự mềm dẻo của khớp: Gập duỗi nhẹ nhàng cổ chân, tập bẻ cổ chân vào trong và ra ngoài, làm bài tập kéo căng gân cơ bụng chân, gót chân.
- Lấy lại sức mạnh cổ chân: Sau khi tầm vận động đạt 60 - 70%, tập sức mạnh gân cơ vùng cổ chân: Đá chân với tạ, hoặc dây cao su chun giãn…
- Tập thăng bằng: Sau khi tầm vận động và sức mạnh cổ chân gần như hoàn toàn, tập các bài tập về thăng bằng như: Đứng 1 chân trên chân đau, nhảy dây…
Lưu ý: Bong gân cổ chân là vấn đề hay gặp trong sinh hoạt, lao động, thể thao như: Chơi tennis, cầu lông, bóng đá, khiêu vũ và khi đi giày cao gót,… Vì vậy, khi phát hiện ra bong gân cổ chân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Người bệnh khi có triệu chứng bị bong gân cổ chân tùy vào mức độ nặng nhẹ mà có cách điều trị khác nhau.
Khi cổ chân hết sưng, hết đau khi vận động; tầm vận động, sự mềm dẻo và sức mạnh của cổ chân gần như bình thường. Nếu còn các triệu chứng như: Đau, sưng nề và cảm giác lỏng khớp cổ chân nên tới bệnh viện để được tư vấn điều trị phẫu thuật.
Với các trường hợp bong gân cổ chân đa phần xử trí và điều trị tại nhà không cần phẫu thuật.
BS. Nguyễn Văn Dũng
www.suckhoedoisong.v