Khi nhiễm HIV, bạn có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 3 lần so với những người không nhiễm HIV. Trầm cảm gây nên những hệ lụy tiêu cực đến quá trình và kết quả điều trị HIV. Người nhiễm HIV nên làm gì khi bị trầm cảm?
1. Biểu hiện của bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh lý rối loạn tâm thần ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác, suy nghĩ và hành động. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng yêu thích nó. Người nhiễm HIV nên đi khám định kỳ tại các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra sức khỏe cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần một cách chính xác nhất.
Trầm cảm gây ra những cảm xúc tiêu cực. Những biểu hiện của trầm cảm cần được chú ý: Tâm trạng chán nản, tức giận, mất hứng thú hoặc niềm vui; cảm thấy tuyệt vọng hoặc tiêu cực nghiêm trọng; cảm thấy trì trệ, chậm chạp, giảm chú ý và tập trung; có ý nghĩ tự sát; thay đổi sự thèm ăn và cân nặng; rối loạn giấc ngủ; mệt mỏi, giảm vận động; giảm ham muốn tình dục.
Tâm trạng chán nản, mất hứng thú là một biểu hiện của bệnh trầm cảm
2. Nguyên nhân gây trầm cảm ở người nhiễm HIV
Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn do nhiều nguyên nhân. Một số tình huống gây căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhiễm HIV như: Tức giận, lo lắng về tình trạng sức khỏe, không đủ hỗ trợ từ xã hội hoặc gia đình, thiếu khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, lo lắng bị mọi người xung quanh kỳ thị và xa lánh.
Khi điều trị HIV, các loại thuốc kháng vi rút có thể có tác dụng phụ làm tăng sự lo lắng hoặc nguy cơ mắc trầm cảm. Bạn nên nói rõ về tình trạng sức khỏe của mình với bác sĩ điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc thay thế cho bạn nếu cần thiết.
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến trầm cảm ở người nhiễm HIV như: Suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể gây nên tình trạng mệt mỏi, suy kiệt. Người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch có thể mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác cũng tác động xấu đến tình trạng sức khỏe tâm thần.
Người nhiễm HIV khi bị trầm cảm cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần
3. Hệ lụy khi mắc trầm cảm ở người nhiễm HIV
Trầm cảm có thể tác động tiêu cực đến tâm trí, tâm trạng, cơ thể và hành vi ở người nhiễm HIV. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể dẫn đến nhiều hành vi nguy hiểm như: Lạm dụng rượu, bia, tăng sử dụng ma túy và gia tăng hành vi lây nhiễm HIV cho người khác.
Trầm cảm còn gây nên những hậu quả khác ở người nhiễm HIV như: Giảm tuân thủ dùng thuốc điều trị, giảm kết quả điều trị, giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ tử vong.
Một sức khỏe tinh thần tốt sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu cũng cho thấy người nhiễm HIV bị trầm cảm có xu hướng bị bệnh nặng hơn so với những người nhiễm không bị trầm cảm.
Người nhiễm HIV mắc trầm cảm cần được điều trị sớm
4. Nên làm gì khi bị trầm cảm?
Người nhiễm HIV mắc trầm cảm cần được điều trị sớm để tránh những hậu quả tiêu cực và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Thay đổi lối sống một cách tích cực có hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở người nhiễm HIV như: Hoạt động thể lực, tập thể dục thường xuyên, cung cấp chế độ ăn hợp lý đầy đủ dinh dưỡng, cải thiện giấc ngủ và tham vấn tâm lý, kiểm soát căng thẳng. Mát xa và châm cứu cũng được coi là một trong những liệu pháp có hiệu quả tốt đối với bệnh trầm cảm.
Ngoài thay đổi lối sống thì dùng thuốc cũng là công cụ hiệu quả giúp người nhiễm HIV chống lại chứng trầm cảm. Tất cả các loại thuốc điều trị trầm cảm nên được theo dõi bởi bác sĩ điều trị. Các loại thuốc điều trị trầm cảm có thể tương tác với các loại thuốc điều trị HIV và gây ra các tác dụng phụ như: Đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, táo bón, rối loạn tiêu hóa.
Tóm lại: Trầm cảm là bệnh lý rối loạn tâm thần phổ biến ở người nhiễm HIV và để lại những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị bệnh. Để điều trị trầm cảm, người nhiễm HIV cần thăm khám và được tham vấn bởi các chuyên gia y tế về sức khỏe tâm thần tư vấn thay đổi lối sống và điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm.
CN. Phạm Thị Mai Ngọc
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn