Những người nhiễm HIV có nhiều khả năng mắc bệnh đái tháo đường cao hơn những người không nhiễm HIV…
Một nghiên cứu cho thấy, người nhiễm HIV tăng nguy cơ mắc đái tháo đường gấp 4 lần so với người không nhiễm HIV. Bệnh đái tháo đường là một vấn đề sức khỏe phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn dễ mắc bệnh này, bao gồm: Tiền sử gia đình, thừa cân và lớn tuổi… nhưng một số người nhiễm HIV mắc bệnh đái tháo đường ở độ tuổi trẻ hơn mặc dù không bị thừa cân…
Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường ở người nhiễm HIV
Ngày nay, do chẩn đoán và điều trị HIV tốt hơn nên người nhiễm HIV có thể sống lâu hơn. Một số ước tính cho thấy trung bình những người được điều trị HIV sớm có thể sống lâu như những người không nhiễm HIV. Khi những người nhiễm HIV sống lâu hơn, cũng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường như những người khác.
HIV làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2
Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến người nhiễm HIV tăng nguy cơ mắc đái tháo đường hơn, đó là:
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị HIV có thể gây ra lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết). Những người dùng một số loại thuốc này có thể tăng đường huyết và mắc bệnh đái tháo đường cao hơn. May mắn thay, các loại thuốc điều trị HIV mới hơn dường như không có nguy cơ này.
- Một số loại thuốc dùng để điều trị HIV có thể khiến người bệnh tăng cân. Tăng cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, do đó có thể khiến người nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc đái tháo đường hơn.
- Nhiều người nhiễm HIV cũng bị nhiễm viêm gan C. Viêm gan C cũng có liên quan đến bệnh đái tháo đường.
- Người nhiễm HIV bị viêm do nhiễm trùng. Tình trạng viêm này có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh đái tháo đường.
Do đó, người nhiễm HIV nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi bắt đầu điều trị HIV và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo đường huyết luôn ở mức khỏe mạnh.
Nếu bạn bị nhiễm HIV có lượng đường trong máu cao hoặc mắc đái tháo đường, có thể ảnh hưởng đến việc điều trị, vì có thể cần phải tránh một số loại thuốc điều trị HIV gây tăng đường huyết.
Một số loại thuốc thông dụng trị đái tháo đường như metformin có thể vẫn kiểm soát được lượng đường trong máu, nhưng những người nhiễm HIV có thể không đáp ứng với việc điều trị đái tháo đường giống như những người không nhiễm HIV.
Một số loại thuốc dùng để hạ đường huyết cũng có thể tương tác với các phương pháp điều trị dùng để kiểm soát HIV và có thể gây tăng cân hoặc các tác dụng không mong muốn khác. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để biết cách hạn chế những rủi ro này và tìm ra sự kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng, chống bệnh đái tháo đường như thế nào?
Đái tháo đường là một căn bệnh phát triển khi lượng đường trong máu quá cao. Glucose đến từ sự phân hủy của thực phẩm chúng ta ăn và là nguồn năng lượng chính của cơ thể.
Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm: Bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về mắt và tổn thương thần kinh.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường có thể bao gồm:
- Cơn khát tăng dần.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Cơn đói tăng lên.
- Giảm cân bất thường.
- Mệt mỏi.
- Mờ mắt.
- Ngứa ran hoặc tê ở tay hoặc chân.
- Vết thương không lành…
Những người có triệu chứng của bệnh đái tháo đường nên đi xét nghiệm bệnh. Nếu bạn bị nhiễm HIV và lo lắng về bệnh đái tháo đường, nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ này và những gì bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe.
Bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn thừa cân, hãy giảm cân và duy trì cân nặng đó.
- Ăn, uống lành mạnh: Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh và hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường và muối.
- Liên tục di chuyển: Đặt mục tiêu dành 30 phút hoạt động thể chất vào hầu hết các ngày trong tuần.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ…
BS. Nguyễn Bích Ngọc
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn