Đau thần kinh tọa thường xuất hiện triệu chứng đau từ vùng thắt lưng lan xuống dưới mông, chân cùng bên với triệu chứng tê bì, cảm giác đau căng rất khó chịu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Bệnh có thời gian giảm, song có thời điểm đau tăng liên quan đến vận động và thời tiết.
Các thuốc giảm đau thông thường dùng cho bệnh đau thần kinh tọa
Bệnh nhân mắc bệnh đau thần kinh tọa giai đoạn đầu, cấp tính thường dùng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn. Tùy triệu chứng và mức độ đau, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
Thuốc giảm đau paracetamol: Dùng cho bệnh nhân có cơn đau ở mức độ nhẹ và vừa. Thuốc có khả năng ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin ở vùng dưới đồi thuộc hệ thần kinh trung ương nên giảm cảm giác đau, tê dây thần kinh. Có thể sử dụng paracetamol đơn độc liều hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị khác để tăng hiệu quả giảm đau.
Liều lượng khuyến cáo của paracetamol đau mức độ nhẹ hoặc trung bình là 2g mỗi ngày, chia 2 lần. Mỗi lần cách nhau ít nhất 6 giờ, uống sau khi ăn.
Trường hợp đau mức độ nặng có thể cần kết hợp paracetamol với một opioid nhẹ khác, chẳng hạn như: Codein hoặc một loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như paracetamol + ibuprofen.
+ Lưu ý khi dùng paracetamol:
Các trường hợp bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Cần lưu ý với bệnh nhân mắc các loại bệnh lý về tim, phổi. Bệnh nhân đang mắc hoặc có tiền sử viêm loét, chảy máu ống tiêu hóa, bệnh nhân thiếu máu.
Trường hợp không dùng được paracetamol có thể chuyển sang dùng tramadol. Các thuốc này phải dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs): Bao gồm các thuốc phổ biến như: Naproxen, ibuprofen, diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib… giúp giảm đau thần kinh tọa, giảm viêm khá hiệu quả.
+ Lưu ý khi dùng NSAIDs: Cẩn trọng khi dùng nhóm thuốc này với người bệnh có bệnh lý nền như bệnh thận, bệnh lý ở đường tiêu hóa, tim mạch... Thuốc nên dùng sau khi ăn no để giảm tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
Các thuốc NSAIDs nên được sử dụng với các thuốc bảo vệ dạ dày như nhóm ức chế bơm proton (PPI) để bảo vệ đường tiêu hóa.
Khi bị đau nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường
Các thuốc giảm đau mạnh điều trị đau thần kinh tọa
Thuốc steroid: Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các NSAIDs thì có thể chuyển sang dùng thuốc steroid. Thuốc phải được chỉ định do bác sĩ chuyên khoa, dùng phong bế rễ thần kinh cột sống hoặc ngoài màng cứng trong trường hợp đau thần kinh tọa cấp do bệnh lý viêm hoặc thoát vị đĩa đêm cột sống thắt lưng.
+ Lưu ý khi dùng thuốc steroid: Thuốc có nhiều tác dụng phụ, do đó chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cần nghiêm túc dùng thuốc đúng theo hướng dẫn, chỉ dùng trong thời gian ngắn để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Không được tự ý dùng thuốc dài hơn thời gian bác sĩ đã chỉ định. Trường hợp phải dùng thuốc kéo dài, khi cần ngừng thuốc cũng phải theo hướng dẫn giảm liều dần để tránh tác hại trên tuyến thượng thận.
Thuốc giảm đau thần kinh nhóm opioid: Trường hợp bệnh nhân đau quá nhiều và không đáp ứng với các thuốc giảm đau trên, bác sĩ có thể cần phải dùng đến các thuốc gây nghiện nhóm opioid (như morphine) để giảm đau. Bệnh nhân không được tự ý tìm mua các loại thuốc này về sử dụng.
Các thuốc nhóm này có tác dụng mạnh, chỉ định khi đau thần kinh tọa nghiêm trọng. Đây là nhóm thuốc chỉ định sau cùng khi bệnh nhân không đáp ứng với các liệu pháp thuốc khác.
+ Lưu ý khi dùng opioid: Thuốc có thể gây ra tác phụ lên hệ thần kinh như: Buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, hưng phấn, ảo giác.
Đặc biệt là có thể gây nghiện và phụ thuộc thuốc nếu sử dụng thuốc một thời gian dài. Khi ngừng thuốc đột ngột có thể xuất hiện các dấu hiệu: Nôn mửa, run tay chân, mất ngủ… Chính vì thế, bệnh nhân có xu hướng thôi thúc bản thân sử dụng thuốc thỏa mãn nhu cầu thèm thuốc hơn là quan tâm đến tác hại của thuốc.
Để khắc phục tình trạng phụ thuộc thuốc cần có phác đồ khá phức tạp. Do đó, bệnh nhân chỉ dùng thuốc đúng theo liều lượng, thời gian như chỉ định của bác sĩ. Trường hợp có dấu hiệu phụ thuộc thuốc, bệnh nhân không tự ý cố gắng ngừng hẳn thuốc mà cần thông báo có bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc giảm đau khác và giảm liều lượng thuốc opioid dần cho tới khi cơ thể đáp ứng và không còn các triệu chứng mất ngủ, run tay chân.
Do đó, chỉ nên dùng theo liều lượng, thời gian mà bác sĩ đã kê đơn.
Các thuốc giãn cơ
Khi bị đau thần kinh tọa, các cơ thường bị co thắt và gây đau. Thuốc giãn cơ có tác dụng giảm co thắt và thư giãn các cơ bị căng. Đây là tình trạng gây ra bởi các bệnh lý thường gặp ở thắt lưng, đĩa đệm hay cơ vùng chậu. Hiện nay thường dùng phổ biến là: Tolperisone và eperisone.
Tolperisone: Tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và sẽ cho hiệu quả giãn cơ nhanh chóng và giúp giảm đau.
Thuốc có tác dụng phụ gây: Hạ huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, chướng bụng...
Eperisone: Có tác dụng thư giãn cơ vân và cơ trơn mạch máu, làm giảm phản xạ đau, tình trạng loạn cơ.
Thuốc gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như: Tê tứ chi, rối loạn chức năng của thận và gan, phát ban...
+ Lưu ý: Cần thận trọng khi dùng các thuốc giãn cơ vì cũng có khả năng gây nghiện cao. Thuốc chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Những bệnh nhân có sẵn các bệnh lý tim, gan, thận không nên dùng thuốc.
Thuốc giảm đau thần kinh
Khi bệnh nhân đau nặng, có thể được chỉ định dùng nhóm thuốc giảm đau thần kinh để cải thiện các triệu chứng của đau thần kinh tọa như: Pregabalin hoặc gabapentin. Ban đầu có thể dùng thuốc với liều lượng thấp và tăng dần liều thuốc cho đến liều đáp ứng điều trị.
Thuốc có tác dụng giúp xoa dịu tín hiệu đau dẫn truyền trong dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh tọa. Thuốc cần dùng trong khoảng thời gian là từ 3 - 4 tuần mới thấy hiệu quả điều trị.
+ Lưu ý: Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, run, buồn nôn, tăng cân, phát ban...
Bệnh nhân chỉ dùng thuốc sau khi được bác sĩ khám bệnh và kê đơn
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Gồm các thuốc như amitriptyline. Mặc dù là thuốc chống trầm cảm, nhưng các thuốc nhóm này có thể giúp kiểm soát đáng kể triệu chứng đau dây thần kinh tọa. Nhưng vì mục đích không phải là điều trị trầm cảm nên bác sĩ sẽ kê với liều lượng thấp để điều trị giảm đau thần kinh tọa.
+ Lưu ý: Tác dụng phụ của thuốc có thể gặp như: Táo bón, khô miệng, giảm hoặc tăng cân, phát ban, hạ đường huyết, tim đập nhanh,...
Thuốc tại chỗ giảm đau thần kinh tọa
Ngoài các thuốc dùng theo đường uống, có thể kết hợp thuốc dạng bôi như: Trolamine salicylat, methyl salicylate, capsaicin...
Các thuốc này có hiệu quả khá nhanh, nhưng có thể gây kích ứng da, đặc biệt là khi thoa lượng thuốc nhiều, trên diện tích da lớn. Chỉ nên thoa thuốc ở vị trí có rễ thần kinh tọa, là nơi xuất phát cơn đau như vùng xương chậu phần lưng phía sau.
Ngoài thuốc bôi, có thể dùng miếng dán chứa lidocaine - một hoạt chất có khả năng gây tê cục bộ giúp giảm đau thần kinh tọa khá nhanh và hiệu quả.
Lưu ý chung khi dùng thuốc giảm đau thần kinh tọa
Các loại thuốc giảm đau thần kinh chỉ nên dùng sau khi bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng với đau thần kinh tọa bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Chỉ dùng thuốc sau khi đã áp dụng phương pháp nghỉ ngơi, luyện tập và chăm sóc sức khỏe tại nhà nhưng không cải thiện tình trạng đau.
Mỗi bệnh nhân sẽ có tình trạng đau khác nhau, do đó thời gian và liều lượng chỉ định dùng thuốc ở mỗi bệnh nhân cũng khác nhau, do đó bệnh nhân cần lưu ý:
- Không tự ý mua và dùng bất cứ loại thuốc giảm đau thần kinh tọa.
- Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ nội thần kinh.
- Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình dùng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ biết và có hướng khắc phục.
- Không tự ý thay đổi liều dùng, loại thuốc đã được bác sĩ chỉ định vì điều này vừa ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị vừa dễ gây tác động xấu cho sức khỏe.
- Không sử dụng đơn thuốc của người khác cho tình trạng bệnh của mình.
- Nên phối hợp các các động tác vật lý trị liệu góp phần làm giảm triệu chứng đau thần kinh tọa.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ngọc
www.suckhoedoisong.vn