Thuốc kháng histamin chống dị ứng giúp người bệnh giảm các triệu chứng dị ứng như: Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho… rất hiệu quả. Tuy nhiên, những loại thuốc này cũng có nguy cơ gây ra tác dụng phụ, tương tác thuốc. Vậy làm thế nào để phòng tránh?
1. Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc kháng histamin chống dị ứng
Thuốc kháng histamin chống dị ứng (kháng histamin H1), thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng như: Ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt, mũi, họng. Một số thuốc kháng histamin chống dứng thường dùng như: Diphenhydramine, chlorpheniramine, pheniramine…
Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ ngay cả khi được dùng đúng cách và theo hướng dẫn về liều lượng trên nhãn.
Thuốc kháng histamin H1 giúp giảm các triệu chứng dị ứng
Một số tác dụng phụ của thuốc kháng histamin H1 bao gồm: Khô miệng, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn và nôn, bồn chồn hoặc ủ rũ, bí tiểu, kích ứng mũi, chảy máu cam, nhìn mờ, lú lẫn…
Người cao tuổi thường nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc kháng histamin chống dị ứng với các triệu chứng: Buồn ngủ, chóng mặt, lú lẫn, táo bón hoặc khó tiểu. Buồn ngủ, chóng mặt và lú lẫn có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người già. Thuốc kháng histamin thường gây kích thích ở trẻ nhỏ thay vì buồn ngủ.
2. Cách phòng tránh tác dụng phụ của thuốc kháng histamin H1
Để tránh những rủi ro này, nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Để xa tầm tay trẻ: Trẻ em rất tò mò với những đồ vật xung quanh, vì thế nên để thuốc ở xa tầm tay trẻ để tránh nguy cơ trẻ vô tình nuốt phải thuốc, dẫn tới ngộ độc thuốc.
- Không uống thuốc với rượu: Nhiều thành phần trong thuốc cảm lạnh và thuốc dị ứng có thể tương tác nguy hiểm với rượu, gây ra các tác dụng phụ như: Buồn nôn, nôn, buồn ngủ, ngất xỉu và mất khả năng phối hợp. Những tương tác này có thể xảy ra ngay cả khi thuốc và rượu không được uống cùng một lúc.
- Đọc kỹ các thành phần của thuốc: Nhiều loại thuốc có cùng thành phần hoạt chất, ngay cả khi chúng có tên khác nhau hoặc được dùng để điều trị các tình trạng khác nhau. Dùng chung những loại thuốc này có thể dẫn đến quá liều.
- Không được tự ý tăng liều thuốc: Không dùng thuốc kéo dài hoặc với liều lượng cao hơn khuyến cáo trên nhãn. Luôn đo lượng thuốc lỏng được uống bằng thìa định lượng hoặc cốc đong (đi kèm thuốc). Việc dùng thuốc nhiều hơn liều quy định có thể gây những tác dụng phụ cho người bệnh.
- Không lái xe khi uống thuốc chống dị ứng: Thuốc chống dị ứng có thể gây: Buồn ngủ, mệt mỏi, mất tập trung, mờ mắt và giảm khả năng phối hợp. Do đó tránh không uống thuốc vào ban ngày, trước khi làm các công việc đòi hỏi sự tập trung như lái xe hoặc vận hành máy móc (nên uống thuốc trước khi đi ngủ).
- Không cho trẻ uống thuốc của người lớn: Nhiều người cho trẻ uống thuốc của người lớn với liều lượng giảm đi. Nhưng thực tế, có những loại thuốc của người lớn khi dùng cho trẻ có thể gây hậu quả khôn lường. Một số thuốc chống chỉ định khi dùng cho trẻ.
Để điều trị dị ứng cho trẻ, liều lượng thuốc và loại thuốc ở trẻ sẽ khác so với người lớn. Do đó, để an toàn, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn và chỉ định đúng bệnh, đúng thuốc.
- Tránh các tương tác thuốc: Cần trao đổi với bác sĩ về các tương tác thuốc tiềm ẩn, vì các loại thuốc chống dị ứng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng.
- Với một số người có tiền sử mắc bệnh: Phì đại tuyến tiền liệt, bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh gan, bệnh thận, các vấn đề về tuyến giáp, loãng xương, tắc nghẽn bàng quang hoặc tăng nhãn áp, cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống dị ứng.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: Cần thận trọng khi dùng thuốc.
- Trao đổi với bác sĩ: Nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào: Cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí.
BS. Đặng Xuân Thắng
www.suckhoedoisong.vn