Backgroup Default
Chủ nhật, 6/10/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Sử dụng thuốc an toàn
Ngày đăng:  20/02/2024, Lượt xem: 100

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.Pylori) là một nguyên nhân quan trọng gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Diệt vi khuẩn H.Pylori phải đồng thời sử dụng nhiều kháng sinh và phối hợp với các thuốc khác. Đến nay, diệt H.Pylori vẫn còn là một thách thức vì tỉ lệ đa kháng thuốc tăng nhanh...
Nhiều bệnh lý dạ dày như: Viêm loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày... có liên quan tới nhiễm vi khuẩn H.Pylori. Đây là một trực khuẩn Gram âm, chịu được môi trường pH từ 5 - 8,5 và sống ở phần sâu của lớp nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày (giữa lớp nhày với bề mặt của lớp tế bào biểu mô và ở các vùng nối giữa các tế bào này). Đây là nguyên nhân gây xuất huyết do loét dạ dày và ung thư dạ dày
Các hướng dẫn của châu Âu đề nghị nên xem xét tiệt trừ H.Pylori ở những người có yếu tố nguy cơ, như thân nhân thế hệ 1 của bệnh nhân ung thư dạ dày. Hướng dẫn đồng thuận châu Á - Thái Bình Dương cũng gợi ý nên tầm soát rộng rãi và điều trị tình trạng nhiễm H.Pylori để giảm nguy cơ ung thư dạ dày ở các quần thể có nguy cơ cao.

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.P

1. Vì sao điều trị vi khuẩn H.Pylori thường thất bại?
Trong thực tế hiện nay, các phác đồ diệt trừ vi khuẩn H.Pylori đã không đạt kết quả cao, tỷ lệ thất bại ngày càng tăng. Một lý do đã được đưa ra để giải thích cho thất bại này là do sự kháng thuốc của vi khuẩn H.Pylori tăng nhanh. Nhưng có một sự thật khác dẫn đến thất bại trong diệt trừ H.Pylori - đó chính là cách dùng thuốc chưa đúng.
Như chúng ta đã biết, một vi khuẩn có thể kháng kháng sinh, thì vi khuẩn phải có sự quen dần với kháng sinh đó. Trong đó, chủ yếu là thói quen dùng thuốc của người bệnh như là: Dùng kháng sinh không đủ liều lượng, không đủ số ngày dùng thuốc... Điều này vừa khiến cho vi khuẩn không bị tiêu diệt triệt để, lại còn khiến những vi khuẩn sống sót sẽ tự điều chỉnh, thay đổi cấu trúc, tiến hóa để thích nghi chống lại kháng sinh đó... dẫn đến các thế hệ sau của vi khuẩn sẽ kháng kháng sinh đó, tức là không bị tiêu diệt bởi kháng sinh đó nữa.
Hơn nữa, hiện nay vi khuẩn H.Pylori không chỉ nhanh chóng kháng kháng sinh mà còn không bị tiêu diệt ngay cả khi bệnh nhân đã dùng đủ liều kháng sinh, đủ số ngày dùng. Điều này một phần là do phác đồ điều trị không hợp lý.
2. Dùng thuốc trị vi khuẩn H.Pylori như thế nào mới hiệu quả?
Phác đồ điều trị vi khuẩn H.pylori không chỉ phụ thuộc vào thuốc, mà phải ứng dụng hợp lý. Chúng ta cần phải nắm rõ những vấn đề như sau:
- Thứ nhất: Do các kháng sinh trong các phác đồ diệt H.Pylori sẽ không thể phát huy được tác dụng đáng kể nếu pH môi trường trong dạ dày thấp. Các kháng sinh này sẽ tăng sức mạnh gấp nhiều lần nếu pH dạ dày nâng cao.
Để nâng pH dạ dày lên thì vấn đề sử dụng thuốc ức chế tiết acid (PPI) phải đúng thời điểm. Theo đó, các thuốc PPI phải uống trước bữa ăn chính 60 phút. Tuy các PPI có thể phát huy tác dụng làm dạ dày giảm tiết acid ngay sau liều dùng đầu tiên, nhưng hiệu quả nâng cao pH dạ dày chưa đáng kể, mà phải sau 3 - 4 ngày dùng thuốc mới đạt đỉnh hiệu quả tác dụng.
Do đó, trước khi bắt đầu sử dụng phác đồ diệt H.Pylori bằng kháng sinh, cần phải tiến hành sử dụng PPI vài ngày trước. Như vậy, để khi uống kháng sinh vào thì pH dạ dày đã sẵn sàng ở mức có lợi nhất cho kháng sinh phát huy tác dụng.
- Thứ hai: Đó là cách dùng kháng sinh trong phác đồ, đây thực sự là vấn đề cần nhấn mạnh. Nếu như vấn đề thứ nhất về cách dùng PPI ở trên khi đưa ra sẽ được hầu hết các bác sĩ đồng thuận và sẵn sàng tuân thủ thực hiện cách dùng đó, thì vấn đề thứ 2 này còn đang gặp phải nhiều vướng mắc.
Có ý kiến cho rằng nên uống xa bữa ăn (lúc đói), có ý kiến lại cho rằng nên uống ngay sau bữa ăn chính. Thậm chí có ý kiến lại cho rằng uống thế nào cũng được vì thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu các kháng sinh này... Chính vì vậy, mà hiệu quả diệt vi khuẩn H.Pylori trước đây không cao và lại tăng nhanh kháng thuốc.
Vậy thế nào mới là cách dùng thuốc đúng?
Dựa trên tiêu chí về lựa chọn thuốc diệt vi khuẩn H.Pylori đã chỉ rõ: "Các kháng sinh phải chịu được acid, phải có thời gian lưu ở dạ dày càng lâu càng tốt, có thể thấm tốt vào lớp dịch nhày và niêm mạc dạ dày, khả năng kháng thuốc với vi khuẩn ít nhất". Với những tiêu chí đó, chọn được kháng sinh rồi nhưng cách dùng như thế nào để đưa kháng sinh vào nơi cần tới để kháng sinh diệt vi khuẩn H.Pylori mới là quan trọng, bởi đó chính là "nghệ thuật đưa thuốc vào cơ thể".

Để diệt từ H.Pylori hiệu quả cần dùng thuốc đúng phác đồ và ứng dụng hợp lý

Từ đặc điểm và vị trí nơi trú ẩn của vi khuẩn H.Pylori trong cơ thể, không cần kháng sinh phải được hấp thu vào máu, mà cần kháng sinh thấm vào trong lớp dịch nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Do vậy, khi dùng các kháng sinh trong phác đồ diệt H.Pylori, không nên quan tâm đến việc làm sao để tăng hấp thu, tăng sinh khả dụng của thuốc như trong các trường hợp diệt các loại vi khuẩn khác...
Để phát huy hiệu quả của thuốc cao nhất, làm sao để kháng sinh lưu lại thật lâu trong dạ dày. Nghĩa là kháng sinh có đủ thời gian hòa tan và ngấm luôn vào lớp dịch nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, tổng lực tấn công H. Pylori trực tiếp tại đó, chứ không cần phải cho kháng sinh đi vòng vèo qua hấp thu ở ruột non, theo tĩnh mạch cửa vào gan, bị chuyển hóa bước 1 tại gan rồi mới vào tuần hoàn chung, rồi một phần nhỏ kháng sinh mới đến nơi cần đến là nơi trú ẩn của H.Pylori. Bởi khi thuốc vào máu theo tuần hoàn đi khắp các bộ phận của cơ thể, chỉ một phần nhỏ quay lại dạ dày, tiết vào niêm mạc và dịch nhầy sẽ kém hiệu quả.
Vì vậy, cần phải uống kháng sinh diệt H.Pylori ngay sau bữa ăn chính, để kháng sinh lưu giữ lâu trong dạ dày. Cũng không nên ăn nhẹ hoặc ăn cháo loãng... bởi dạ dày sẽ nhanh bị tháo rỗng và thuốc không lưu lâu trong dạ dày được.

DS. Bùi Sỹ Thành
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan