Backgroup Default
Thứ bảy, 22/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Sử dụng thuốc an toàn
Ngày đăng:  06/02/2024, Lượt xem: 53

Điều trị mụn, về cơ bản rất chú trọng thuốc bôi, thời gian bôi thường dài. Trong những trường hợp nặng, hay tái phát, hoặc được xác định là thuốc bôi không hiệu quả mới chuyển sang dùng thuốc uống để điều trị.
Mụn thường gặp do rối loạn chức năng của nang lông - tuyến bã. Có tới 85% số người trong lứa tuổi 12 - 24 bị mụn.
Ở tuổi dậy thì, khi nồng độ androgen tăng cao, tuyến bã nhờn hoạt động tăng tiết. Do nồng độ cao androgen nên tuyến bã phì đại và lượng bã nhờn tăng theo. Bã nhờn là yếu tố gây viêm mạnh. Bã nhờn cùng với rối loạn quá trình trưởng thành của tế bào sừng gây ra sự bít tắc nang lông và hình thành mụn đầu trắng. Khi chất bít tắc bị oxy hóa thì thành mụn đầu đen, mụn này thấy ở vùng có lỗ chân lông to như đầu mũi, vùng chữ T.
Khi có sự hoạt động của vi khuẩn P. acnes, hai loại mụn trên sẽ thành mụn viêm ở các mức độ khác nhau. Quá trình viêm sẽ gây chít hẹp thêm các nang lông bên cạnh, làm lan rộng dần các tổn thương và gây nhiều mụn mủ. Các mụn viêm mủ khi khỏi để lại các sẹo và các nốt tăng sắc tố sau viêm.

Nếu không được điều trị đúng cách, mụn sẽ để lại sẹo... 

Nhiều phụ huynh cho rằng mụn ở tuổi dậy thì nên chủ quan, tuy nhiên hậu quả của mụn sẽ là suốt đời. Mụn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người bị mụn, đặc biệt là trong giai đoạn thanh thiếu niên khi hình thể và ngoại hình thường được coi trọng. Nếu không được điều trị đúng cách, mụn có thể dẫn đến viêm nhiễm có mủ, gây sưng đau và để lại sẹo.
Việc điều trị mụn thông qua các bước sau:
- Điều trị mụn chuẩn theo phác đồ cho từng người
- Thực hiện quy trình dự phòng mụn
- Kiểm tra da sau mỗi 1 hoặc 3 tháng tùy theo mức độ mụn
- Liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý đúng ngay khi xuất hiện 1 - 2 mụn viêm, đặc biệt mụn có mủ.
Phác đồ điều trị mụn có nhiều dạng bào chế khác nhau, phù hợp với từng đối tượng sử dụng, bao gồm: Thuốc bôi và thuốc uống.
Thuốc dạng bôi là các thuốc có tác dụng tại chỗ như: Benzoyl peroxid, retinoid, kháng sinh, các chất có tác dụng làm bong lớp sừng... Thông thường, sau khi dùng thuốc bôi khoảng 6 tuần mà không có hiệu quả thì có thể phải bổ sung thuốc uống.
1. Các loại thuốc uống điều trị mụn
Hai loại thuốc uống phổ biến là kháng sinh và isotretinoin:
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh giúp ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn ở nang lông hay ổ viêm, giúp giảm viêm và giảm khả năng kháng kháng sinh khi dùng thuốc bôi kháng khuẩn kéo dài. Tuy nhiên, kháng sinh uống cũng không hoàn toàn là thiết yếu trong liệu trình uống trị mụn.
- Isotretinoin: Thuốc có hiệu quả cao bởi tính đa tác dụng của nó, bao gồm: Giảm tiết bã, tăng nhanh sự trưởng thành tế bào sừng, ngăn ngừa hình thành nhân mụn, giảm viêm và giảm sự phát triển của vi khuẩn.
Các khuyến cáo về tác dụng phụ của thuốc liên quan đến quái thai, viêm ruột, tăng men gan, trầm cảm nên được theo dõi trong quá trình điều trị. Các tác dụng phụ này hiện nay đã được khắc phục phần lớn bởi cách sử dụng phối hợp giữa liều uống và kem bôi để giảm liều uống xuống mức ít gây hại.

Phác đồ điều trị mụn phải phù hợp với từng cá nhân

2. Những lưu ý khi sử dụng thuốc uống điều trị mụn
Khi sử dụng thuốc uống điều trị mụn, có một số vấn đề quan trọng cần lưu ý để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu: Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình điều trị nào, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu. Nếu có kế hoạch mang thai, cần thông báo với bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Tuân thủ liều lượng và hướng dẫn: Luôn tuân thủ liều lượng và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ hoặc trên nhãn thông tin thuốc. Cho dù có thấy kết quả ngay sau vài lần sử dụng, nhưng nên duy trì quá trình điều trị. Ngưng sử dụng quá sớm có thể làm tăng khả năng mụn tái phát nhưng việc sử dụng quá liều hoặc không đúng cách cũng có thể gây hại và không mang lại kết quả tốt.
Bên cạnh việc dùng thuốc cần lưu ý chế độ chăm sóc da hàng ngày, bằng cách:
- Đối với da dầu, rửa mặt bằng sữa cho loại da dầu, tẩy da chết hàng ngày, giảm tiết dầu với BHA 2%.
- Sủ dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
- Không cậy nặn mụn, dùng kem dưỡng ẩm và không dùng kem nền dày...

PGS. TS. BS. Đinh Văn Hân
www.suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan