Thuốc bôi trĩ là cách hiệu quả để tạm thời cải thiện các triệu chứng của bệnh trĩ như: Đau, kích ứng, ngứa và sưng tấy. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc bôi trĩ đúng cách.
1. Thuốc bôi trĩ là gì?
Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh trĩ được phân thành 4 cấp độ:
- Cấp độ 1 và 2 được xem là nhẹ.
- Cấp độ 3, 4 là bệnh tiến triển nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Thuốc bôi trĩ (hoặc kem, gel trị trĩ) là thuốc bôi tại chỗ làm giảm tạm thời các triệu chứng liên quan đến bệnh trĩ; bao gồm: Ngứa, viêm, rát và sưng tấy. Thuốc bôi trĩ có thể được sử dụng cho cả trĩ nội và trĩ ngoại ở giai đoạn đầu của bệnh (độ 1, độ 2).
Các thành phần của thuốc thường bao gồm:
- Thuốc corticoid như hydrocortisone để giảm viêm và sưng, giảm ngứa và kích ứng, đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành vùng da bị ảnh hưởng.
- Thuốc phenylephrine hỗ trợ thu nhỏ tĩnh mạch bị giãn làm giảm cảm giác nóng rát và sưng tấy.
- Thuốc gây tê cục bộ như: Lidocain, pramoxine và benzocain hoạt động bằng cách làm tê tạm thời, giảm sưng, đau.
- Thuốc bôi trĩ cũng có thể chứa các thành phần bôi trơn, bảo vệ da như: Glycerine, oxit kẽm, dầu khoáng, lanolin,…
Các triệu chứng của bệnh trĩ gây đau, ngứa và sưng tấy
2. Thuốc bôi trĩ có hiệu quả không?
Thuốc bôi trĩ có thể mang lại hiệu quả tạm thời trong việc giảm viêm và đau do bệnh trĩ gây ra, nhưng không phải là giải pháp lâu dài và không phải là thuốc điều trị bệnh trĩ triệt để. Ở những bệnh nhân tiến triển nặng thì thuốc bôi trĩ chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng.
Bệnh nhân có thể đi đại tiện dễ dàng hơn sau khi bôi thuốc, nhưng ở một số bệnh nhân có thể không thấy bất kỳ cải thiện nào khi sử dụng. Trong một số trường hợp, triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn, nếu bệnh nhân nhạy cảm với một hoặc nhiều thành phần trong thuốc, dẫn đến phản ứng dị ứng.
Vì vậy, cách tốt nhất để xác định liệu thuốc trị trĩ có phù hợp hay không là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định liệu trình điều trị tốt nhất.
3. Một số lưu ý khi dùng thuốc bôi trĩ
Thuốc bôi trĩ thường an toàn khi sử dụng, nhưng có thể có một số tác dụng phụ tiềm ẩn. Một số người có thể bị kích ứng da, rát hoặc châm chích khi sử dụng. Không sử dụng thuốc bôi trĩ trong trường hợp đang bị nhiễm trùng, bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Không sử dụng thuốc bôi trĩ cho phụ nữ mang thai vì các thành phần có thể hấp thu vào máu, ảnh hưởng đến thai nhi.
Với trẻ em, người cao tuổi hay người bệnh đang có những bệnh lý khác kèm theo cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các loại thuốc bôi trĩ cũng nên được sử dụng một cách thận trọng, không nên lạm dụng. Vì sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến làm mỏng da, một tác dụng phụ phổ biến của corticoid có trong thuốc bôi trĩ.
Trước khi sử dụng thuốc bôi trĩ phải đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm
4. Cách bôi thuốc trĩ
Mỗi loại thuốc bôi trĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể, do đó, trước khi sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm để đảm bảo sử dụng thuốc một cách thận trọng và an toàn. Thời gian tốt nhất trong ngày để bôi thuốc là vào buổi sáng và buổi tối, sau khi đi đại tiện.
Các bước thực hiện bao gồm:
- Làm sạch vùng hậu môn bằng cách dùng nước ấm, có thể dùng nước muối loãng để làm sạch, sau đó lau khô bằng khăn mềm.
- Rửa tay thật sạch, cắt ngắn móng tay trước khi bôi thuốc.
- Bóp một lượng thuốc cỡ hạt đậu lên đầu ngón tay.
- Nhẹ nhàng bôi thuốc lên búi trĩ.
- Đối với trĩ nội, có thể sử dụng dụng cụ chuyên dụng để bôi thuốc. Sau khi dùng, cần vệ sinh dụng cụ sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô và cất giữ ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Cuối cùng rửa lại tay sạch bằng xà phòng và nước.
Để giảm bớt các triệu chứng, ngoài việc sử dụng thuốc bôi trĩ, các biện pháp hiệu quả khác nên áp dụng bao gồm:
- Cải thiện tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ.
- Không nên nhịn đi đại tiện vì khiến táo bón nặng hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn.
- Sử dụng nước ấm để ngâm và làm sạch vùng hậu môn hoặc rửa dưới vòi sen thay vì dùng giấy vệ sinh khô.
- Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc trầm trọng hơn, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.
Bệnh trĩ phân làm nhiều cấp độ, khi bệnh tiến triển nặng, bác sĩ có thể phải chỉ định thực hiện các can thiệp ngoại khoa. Để điều trị trĩ tốt nhất nên có sự thăm khám, chẩn đoán và theo dõi của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, hay tự chữa theo các phương pháp gia truyền có thể gây biến chứng nguy hiểm.
DS. Nguyễn Thị Mến
Nguồn: suckhoedoisong.vn