Mặc dù không có cách chữa khỏi Hội chứng chân không nghỉ, nhưng việc điều trị sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng chân không nghỉ là tình trạng vận động gây ra cảm giác muốn cử động chân mạnh khi đang nghỉ ngơi. Người bệnh có thể cảm thấy như: Ngứa, kéo, khó chịu hoặc nhói... Hội chứng chân không nghỉ có thể gây rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ; khiến người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, thay đổi tâm trạng, khó khăn trong việc chú ý, ghi nhớ hoặc tập trung, trầm cảm/lo âu.
Điều trị Hội chứng chân không nghỉ bao gồm dùng thuốc hoặc thay đổi thói quen, để giúp làm giảm các triệu chứng. Nếu mắc hội chứng này mà không có tình trạng bệnh lý liên quan, việc điều trị chỉ cần tập trung vào thay đổi lối sống. Khi những thay đổi này không hiệu quả, có thể cần dùng một số thuốc.
Hội chứng chân không nghỉ gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh
1. Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị Hội chứng chân không nghỉ
Với các trường hợp nhẹ việc áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống cũng có thể giảm các triệu chứng của bệnh:
- Tập thể dục thường xuyên: Nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đạp xe/đạp xe cố định hoặc đi bộ; tránh tập thể dục nặng hoặc cường độ cao trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
- Thực hiện thói quen ngủ tốt như: Tránh đọc sách, xem tivi, sử dụng máy tính hoặc điện thoại khi nằm trên giường.
- Ngủ đủ giấc: Việc không ngủ đủ giấc có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Ngâm chân trong bồn nước ấm và chườm túi sưởi hoặc chườm lạnh vào chân... có thể giúp giảm đau tạm thời.
- Giảm căng thẳng.
- Tránh uống cà phê trước khi đi ngủ.
2. Các thuốc điều trị
Một số loại thuốc kê đơn giúp giảm tình trạng bồn chồn ở chân, bao gồm:
2. 1. Thuốc làm tăng dopamine trong não
Các thuốc bao gồm: Rotigotine, pramipexole và ropinirole được dùng để điều trị Hội chứng chân không nghỉ từ trung bình đến nặng.
Tác dụng: Những loại thuốc này ảnh hưởng đến mức độ chất truyền tin hóa học dopamine trong não.
Tác dụng phụ ngắn hạn của những loại thuốc này thường nhẹ và bao gồm: Buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây ra các vấn đề về kiểm soát xung lực hoặc gây buồn ngủ vào ban ngày.
Lưu ý, các thuốc làm tăng dopamine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh theo thời gian (tăng cường), do đó, cần theo dõi chặt chẽ.
2. 2. Thuốc chống động kinh
Các loại thuốc thường dùng như: Gabapentin, gabapentin enacarbil, pregabalin...
Tác dụng: Các thuốc này dùng điều trị cho những người bị Hội chứng chân không nghỉ nguyên phát ở mức độ trung bình đến nặng. Thuốc giúp làm giảm sự khó chịu ở chân và giảm đau dây thần kinh.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, run, tăng cân, chán ăn…
Nếu mắc Hội chứng chân không nghỉ mà không có tình trạng bệnh lý liên quan, việc điều trị chỉ cần tập trung vào thay đổi lối sống. Nếu những thay đổi đó không hiệu quả, có thể cần dùng một số thuốc.
2. 3. Thuốc an thần benzodiazepines
Tác dụng: Các thuốc nhóm này giúp cải thiện giấc ngủ, giảm thức giấc đột ngột do hội chứng chân không nghỉ.
Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm: Buồn ngủ, chóng mặt, run sợ, khả năng phối hợp kém, chán nản…
2. 4. Thuốc opioid
Tác dụng: Những loại thuốc này chủ yếu được sử dụng để làm giảm các triệu chứng nghiêm trọng khi các thuốc khác không hiệu quả. Một số ví dụ bao gồm: Tramadon, codeine, oxycodone, hydrocodone…
Tác dụng phụ: Nhóm thuốc này có thể gây nghiện nếu dùng liều cao hoặc/và kéo dài, do đó chỉ áp dụng với các bệnh nhân kháng trị với liều thấp hoặc các bệnh nhân bị thể ngắt quãng.
Lưu ý: Không nên lạm dụng trong thời gian dài.
Ngoài ra có thể bổ sung sắt khi mức sắt trong não quá thấp và các triệu chứng Hội chứng chân không nghỉ nghiêm trọng.
3. Lưu ý khi dùng thuốc
- Hầu hết các loại thuốc được kê đơn để điều trị Hội chứng chân không nghỉ không được khuyến nghị trong thời kỳ mang thai; thay vào đó, có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng gây khó chịu trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể cần dùng một số loại thuốc nhất định theo chỉ định của bác sĩ.
- Nên tránh dùng một số loại thuốc gây trầm trọng thêm các triệu chứng của Hội chứng chân không nghỉ, như: Thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, chống buồn nôn, thuốc cảm lạnh, dị ứng; nếu buộc phải dùng, cần trao đổi với các bác sĩ.
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Nên báo ngay cho bác sĩ nếu không cải thiện được tình trạng bằng các liệu pháp tại nhà hoặc các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
BS. Đặng Xuân Thắng
www.suckhoedoisong.vn