Backgroup Default
Thứ sáu, 2/11/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  26/03/2024, Lượt xem: 77

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Tuy nhiên, đột quỵ không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Bằng cách xác định và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, người già sẽ có cơ hội giảm tỷ lệ mắc và tử vong do đột quỵ gây ra.
Thời tiết lạnh là nguyên nhân khiến người già phải đối mặt với những bệnh lý liên quan đến tim mạch như: Tăng huyết áp, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… Đối với người già có bệnh lý nền thì vấn đề này sẽ có nguy cơ cao hơn.
Lý do là khi trời lạnh, Catecholamin trong máu tăng khiến mạch máu co lại. Từ đó làm tăng áp lực trong lòng mạch, dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Đồng thời thay đổi nồng độ một số thành phần đông máu như: Tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và tăng độ nhớt của máu… khiến tình trạng đông máu tăng lên, dễ hình thành cục máu đông hơn và các cục máu đông này sẽ bít tắc lòng mạch, gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim như: Nhồi máu cơ tim...
Đột quỵ hay xảy ra ở những người già có bệnh nền như: Tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường type 2, từng bị đột quỵ, rối loạn chuyển hóa lipid…
Cách phát hiện đột quỵ ở người già
Đột quỵ não là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kì lúc nào và không có dấu hiệu báo trước. Biểu hiện sớm nhất của người bị đột quỵ là: Xây xẩm, chóng mặt, đau đầu dữ dội, nói khó, mắt nhìn không rõ ở một hoặc hai mắt, liệt mặt, miệng méo, nhân trung lệch sang một bên...
Ngoài ra, khi đang trong cơn đột quỵ, một triệu chứng khá phổ biến là một cánh tay hoặc một chân sẽ dần yếu đi và tê liệt, dẫn đến cầm nắm khó khăn, đi đứng không vững, thậm chí bị ngã khuỵu.
Do đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước, Triệu chứng ở người già không nổi bật như người trẻ, vì vậy sẽ dẫn đến việc phát hiện chậm và đến viện muộn.
Vậy nên chúng ta cần nhận biết sớm các triệu chứng đột quỵ (thông qua nguyên tắc B.E F.A.S.T) để tiếp cận với các phương pháp đánh giá và cấp cứu, điều trị khẩn cấp, cũng như tham gia vào quá trình phục hồi chức năng toàn diện. Điều này đóng góp một phần không nhỏ trong việc cứu sống cũng như hồi phục sau đột quỵ của người già.
Đột quỵ có 2 dạng nhồi máu não (thiếu máu não) do cục máu đông bít tắc lòng mạch máu não và xuất huyết não do vỡ mạch máu não. Khi sơ cứu người đột quỵ, nên đặt bệnh nhân nằm cao đầu, nghiêng một bên nếu có nôn. Tuyệt đối lưu ý không cho bệnh nhân ăn uống để tránh tình trạng bị sặc. Đồng thời gọi ngay cấp cứu đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Đối với bệnh nhân đột quỵ, giờ vàng của tái thông mạch máu não đối với nhồi máu não là dưới 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu muộn hơn thì nguy cơ để lại biến chứng nặng.

Đột quỵ hay xảy ra ở những người già có bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường... 

Cách xử trí đúng khi phát hiện người bị đột quỵ
- Cần bình tĩnh gọi xe cấp cứu 115 ngay lập tức; tuyệt đối giữ cho bệnh nhân không bị té ngã.
- Không tự ý điều trị như: Đánh gió, bấm huyệt, châm cứu, cho bệnh nhân uống thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào.
- Theo dõi các biểu hiện của bệnh nhân như: Co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí…
- Để bảo vệ đường thở, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không cho bệnh nhân ăn, uống gì.
Phòng ngừa đột quỵ ở người già có bệnh lý nền
Để việc phòng ngừa đột quỵ ở người già mang lại kết quả tốt nhất, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm: Biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Các biện pháp dùng thuốc gồm có:
- Kiểm soát tăng huyết áp.
- Giải quyết rối loạn mỡ máu.
- Quản lý bệnh đái tháo đường.
- Dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ (Ví dụ: Ở người có bệnh rung nhĩ).
Bên cạnh đó, một số biện pháp không dùng thuốc như:
- Tăng cường tập thể dục.
- Chế độ ăn, uống lành mạnh, hợp lý như: Ăn nhiều rau, trái cây, cá... hạn chế ăn nhiều thịt, không nên ăn mỡ động vật.
- Cai thuốc lá.
- Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích.
- Tránh lạnh, giữ ấm cơ thể.
- Người bệnh nên thư giãn tinh thần bằng các bài tập thở chậm, thiền, yoga có tác dụng giảm căng thẳng mệt mỏi và mang lại giấc ngủ ngon hơn.
- Hạn chế tắm đêm vì đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Việc tuân thủ các biện pháp dự phòng như trên rất quan trọng đối với người già, đặc biệt là ở người có bệnh lý nền.
Vì vậy, đối với những người có bệnh lý nền, có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ thì cũng nên thường xuyên khám định kỳ. Đặc biệt nên khám sức khỏe trước các đợt rét để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ và can thiệp kịp thời.

BSCKI. Trần Thị Lệ Hằng
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan