Backgroup Default
Thứ năm, 27/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  12/03/2024, Lượt xem: 40

Bệnh thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận, có nghĩa là thận mất dần chức năng lọc các chất độc hại ra khỏi máu. Bệnh thận mạn tuy nghiêm trọng nhưng nếu được điều trị tốt có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh.
Tùy vào mức độ bệnh thận mạn mà chức năng thận có thể suy giảm một phần hoặc mất hoàn toàn chức năng, không thể đào thải chất độc hại và dịch thừa ra khỏi máu.
Bệnh thận mạn hiện nay không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng việc điều trị đúng có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng.
Nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn tính trong đó chủ yếu do các nguyên nhân sau:
- Đái tháo đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, đái tháo đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như: Tim mạch, mắt, thần kinh... Số người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người đái tháo đường có biến chứng thận (suy thận) ngày càng tăng cao.

Cần kiểm soát huyết áp để giảm nguy cơ biến chứng suy thận

- Huyết áp tăng nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra suy thận.
- Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Việc sử dụng các thuốc này cần được hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Một số thuốc thường gặp có thể gây ngộ độc cho thận trong đó có thể kể đến thuốc kháng viêm không Steroid, kháng sinh nhóm Aminoglycoside, thuốc kháng lao, thuốc và hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...
- Một số bệnh thận - niệu là nguyên nhân gây suy thận, các bệnh như: Sỏi thận, ứ nước thận, viêm bể thận... nếu không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng chức năng cơ quan này, dần dần gây biến chứng bệnh thận mạn. Các bệnh lý như: Hội chứng thận hư, viêm cầu thận không được điều trị tốt cũng sẽ gây bệnh thận mạn và cuối cùng là suy thận.
- Các bệnh thận bẩm sinh, di truyền, bệnh mạch thận như: Hẹp động mạch thận, viêm mạch dị ứng, thận đa nang, thận nhiều nang đơn… cũng gây ra bệnh thận mạn tính.

Hình ảnh thận khỏe mạnh và thận mắc bệnh

Người bệnh thận mạn tính cần làm gì?
Ngăn chặn tiến triển đến suy thận ở người bệnh thận mạn tính cần làm tốt các vấn đề sau:
- Người bệnh tuân thủ chỉ định bác sĩ
Khi mắc các bệnh lý liên quan người bệnh cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ về vấn đề dùng thuốc cụ thể:
+ Thực hiện chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn thầy thuốc.
+ Không hút thuốc lá: Gây hại cho phổi, tim, thận.
+ Không dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
- Người bệnh thận mạn tính cần chú ý đến chế độ ăn
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân thận mạn tính chưa chạy thận cũng là điều cần quan tâm. Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng khá cao, chiếm 40% (10-70%). Do bệnh nhân chán ăn, nôn ói, kiêng khem, hạn chế quá nhiều protein… Dinh dưỡng tốt, đúng cách sẽ làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn, giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân cần được hướng dẫn cặn kẽ bởi chuyên viên dinh dưỡng.
Trong dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận chưa chạy thận cần chú ý việc bổ sung các nhóm thức ăn, vi chất dinh dưỡng như:
+ Cần đảm bảo năng lượng: 35 – 45kcal/kg/ngày.
+ Chất đạm: 0,8g/kg cân nặng. Một người nặng 50 kg sẽ ăn khoảng 0,8 x 50 = 40g đạm trong 1 ngày, tương đương 200 gr thịt cá hải sản… mỗi ngày. Nếu bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo sẽ được ăn 1g/kg/ngày. Hạn chế chất đạm sẽ giảm biến chứng tăng urê máu, làm chậm tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhưng nếu kiêng khem quá mức sẽ gây suy dinh dưỡng cũng không tốt cho bệnh nhân.
+ Chất béo (Lipid): Giảm dầu mỡ, da, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật: Gan, lòng… ăn ít đồ xào, nên ăn rau củ quả luộc, hấp.
+ Chất bột đường (carbohydrate): 55-60% tổng năng lượng khẩu phần. Bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế chất tinh bột.
+ Vitamin và khoáng chất khác, trong đó cần bổ sung vitamin tan trong nước như: Vitamin nhóm B (B1, B2), đặc biệt vitamin C.
- Cần kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của suy thận mạn. Tăng huyết áp xuất hiện một phần là do lượng dịch tăng lên trong máu cũng như các mô cơ quan vì thận mất chức năng thải dịch (nước). Nếu như không được điều trị, huyết áp tăng sẽ tiếp tục hủy hoại thận cũng như dẫn tới các bệnh lý tim mạch khác.
Hầu hết, bệnh nhân được kê thuốc kiểm soát huyết áp. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc ức chế thụ thể (UCTT). Những thuốc này không chỉ hạ huyết áp mà còn làm tăng chức năng cho thận. Nếu thuốc không hiệu quả hoặc vì một số lý do nào đó không thể dùng thuốc, các nhóm thuốc tăng huyết áp khác sẽ được kê.
- Cần kiểm soát cholesterol
Bệnh thận mạn tính là một yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch. Thầy thuốc có thể kê cho bệnh nhân thuốc Statin giúp làm giảm nguy cơ này. Thuốc giúp làm giảm các cholesterol xấu, khiến chúng không thể bám vào thành các mạch máu nên sẽ giảm thiểu các vấn đề về tắc nghẽn mạch máu.
Ngoài ra, nếu người bệnh có bệnh tiểu đường phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để giữ đường máu ổn định ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu.
Cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần nhằm phát hiện bệnh sớm.

Các giai đoạn tiến triển suy thận mạn

Tóm lại: Bệnh thận mạn là bệnh vô cùng nguy hiểm vì giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng, khó nhận biết. Khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn nặng, chức năng thận gần như mất hoàn toàn, người bệnh phải thực hiện chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận nếu muốn duy trì sự sống.
Bệnh thận mạn có diễn biến qua nhiều giai đoạn và kéo dài nhiều năm. Điều trị bệnh rất phức tạp và ít kết quả, có nhiều biến chứng nặng nề có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh thận cần đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị bệnh hiệu quả.

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan