Backgroup Default
Thứ năm, 27/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  06/02/2024, Lượt xem: 47

Việc cắt móng chân có thể khiến người bệnh đái tháo đường bị nhiễm trùng dẫn tới hoại tử bàn chân nếu không điều trị kịp. Do vậy, người bệnh cần lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày để bảo vệ đôi bàn chân.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường là gì?
Bản chất của bệnh đái tháo đường là tiến triển âm thầm, ít có các biểu hiện lâm sàng. Do vậy, khi người bệnh phát hiện ra mắc đái tháo đường, bệnh đã tiến triển nặng.
Thời gian người bệnh mắc đái tháo đường càng lâu, đường huyết không được kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng mạn tính như: Biến chứng mắt, thận, tim mạch, ngoài da… Trong đó có biến chứng nặng nề như biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Với người bệnh đái tháo đường, hàm lượng đường trong máu cao dễ gây ra các tổn thương thần kinh ngoại vi. Từ biến chứng thần kinh ngoại vi dễ gây ra các biến chứng bàn chân.
Nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường do cắt móng chân đã gây ra vết trầy xước hoặc vết cắt gây nhiễm trùng và dẫn tới biến chứng bàn chân. Tuy nhiên, những bệnh nhân đái tháo đường khi có vết thương ở chân thường không tự phát hiện được do mất cảm giác. Những vết thương này dễ gây nhiễm trùng và hoại tử chỉ trong thời gian ngắn.
Khi cắt móng chân, người bệnh nên cắt nhẹ nhàng theo chiều ngang, sau đó dũa nhẹ nhàng để tránh các góc nhọ, cạnh sắc đâm vào ngón chân gây chảy máu, trầy xước.

Người bệnh đái tháo đường thăm khám định kỳ và kiểm soát tốt đường huyết có thể chung sống với bệnh ổn định cả đời

Phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường
Ngoài việc cực kỳ thận trọng trong việc cắt móng chân, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý trong sinh hoạt để bảo vệ đôi bàn chân của mình bằng cách:
- Người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra bàn chân. Người bệnh có thể sử dụng một chiếc gương để dễ quan sát phía dưới lòng bàn chân hơn.
- Nên lựa chọn giày, dép phù hợp với bàn chân. Trước khi đi giày, dép nên quan sát kỹ có vật lạ trong giày như: Sỏi, sạn, vật sắc nhọn dễ gây trầy xước chân hay không, đồng thời nên đi tất.
- Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm sau đó lau lại bằng khăn mềm.
- Tuyệt đối không đi chân đất bởi người bệnh thường không cảm nhận được nhiệt độ nóng, lạnh hay cảm giác đau khi giẫm phải các vật sắc nhọn.
- Không tự xử lý các vết chai, sưng, loét hay phồng rộp ở bàn chân.

Bệnh nhân bị hoại tử 1/2 bàn chân sau khi cắt móng chân gây chảy máu, nhiễm trùng

- Nếu luyện tập thể thao, người bệnh nên chọn những môn thể thao thân thiện với đôi bàn chân như: Đi bộ, bơi, đạp xe….
- Không nên ngồi một chỗ quá lâu dẫn tới trường hợp máu lưu thông kém ở bàn chân.
- Trong trường hợp có vết xước, móng chân hoặc thấy bàn chân có dấu hiệu sưng, đỏ… bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để được xử lý bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý thăm khám định kỳ và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài việc lưu ý để tránh biến chứng bàn chân đái tháo đường, người bệnh cần duy trì huyết áp, đường huyết đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, duy trì cân nặng hợp lý và có chế độ luyện tập, ăn uống phù hợp.
Những dấu hiệu ở bàn chân cần đi khám bác sĩ
Khi người bệnh đái tháo đường có những dấu hiệu sau nên tới ngay cơ sở y tế để gặp bác sĩ chuyên khoa:
- Mất cảm giác ở bàn chân
- Bàn chân thay đổi màu sắc, nhiệt độ
- Chuột rụt bắp chân, chân có cảm giác đau rát, nóng, ngứa...
- Xuất hiện vết loét, phồng, rộp,
- Móng chân dày lên, có màu vàng hoặc mọc ngược.
- Nấm ở kẽ chân
- Gặp khó khăn khi vận động hoặc chân cảm giác bị bóp chặt.

TS. BSCKI. Nguyễn Thị Thúy
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan