Backgroup Default
Thứ năm, 27/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh truyền nhiễm
Ngày đăng:  31/10/2023, Lượt xem: 51

Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở mắt, tuy không quá nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.Hiện nay, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ tăng mạnh ở cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, bệnh thường lây lan trong các gia đình, trong cộng đồng dân cư, phổ biến nhất là lây lan ở đối tượng trẻ em, học sinh ở các trường học.

Theo ghi nhận của Bệnh viện chuyên khoa 27 Tháng 2 tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng từ đầu tháng 9/2023 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 200 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có cả người lớn và trẻ em, tập trung nhiều ở nhà trẻ và trường học. 

So sánh mắt bình thường và mắt bị đau mắt đỏ

 

Đau mắt đỏ là gì?

Kết mạc là một màng nhầy trong suốt, rất mỏng, bao phủ nhãn cầu và nằm dọc bề mặt bên trong của mí mắt. 

Đau mắt đỏ (hay bệnh viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm phần kết mạc của mắt. Khi đó, các mạch máu nhỏ ở kết mạc bị tắc. Bạn sẽ cảm nhận thấy đau và chảy nước mắt.

Đau mắt đỏ rất thường gặp và có nguy cơ lây lan nhanh do chỉ cần mắt tiếp xúc với tay, đồ vật bị nhiễm nguồn bệnh hoặc tiếp xúc với chất tiết từ người bệnh (dịch tiết từ mắt, nước mắt,...). Đặc biệt, viêm kết mạc do vi rút có thể lây qua các giọt nhỏ đường hô hấp. Tất cả mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm và thường lan rộng thành dịch vào thời điểm từ hè đến cuối thu.

Cấu tạo của mắt

 

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ nhưng có thể kể đến bốn nguyên nhân chính là: vi rút, vi khuẩn, dị ứng và kích ứng.

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ

 

Đau mắt đỏ do vi rút

Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm kết mạc là Adenovirus. Ngoài ra, một số trường hợp đau mắt đỏ có thể gây ra bởi Rubella vi rút, Herpesviruses, vi rút Varicella-Zoster,...

Đau mắt đỏ do vi khuẩn

Có thể kể đến các vi khuẩn gây bệnh sau đây: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis. 

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi Chlamydia trachomatis hoặc vi khuẩn gây bệnh lậu (Neisseria Gonorrhoeae) đôi khi là nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ dị ứng

Có thể kể đến các tác nhân gây kích ứng kết mạc như: phấn hoa, bụi, lông động vật,...

 

 

Đau mắt đỏ kích ứng

Nếu bị bắn hóa chất hoặc vật thể lạ vào mắt có thể gây ra đau mắt đỏ.

Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:

Lòng trắng của mắt có màu đỏ hoặc hồng.

- Kết mạc và/hoặc mí mắt có hiện tượng sưng húp.

- Nước mắt tăng tiết nhiều.

- Cảm giác cộm như có vật thể lạ trong mắt và muốn dụi mắt theo phản xạ tự nhiên.

- Cảm giác nóng rát, ngứa, kích ứng mắt.

- Đôi khi có thể có mủ hoặc chất nhầy.

- Đóng vảy ở mí mắt hoặc lông mi, đặc biệt là vào buổi sáng.

- Bệnh nhân đeo kính áp tròng có cảm giác khó chịu và/hoặc không cố định được trên mắt.

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng khác có thể xảy ra:

- Nguyên nhân do vi rút có thể có các triệu chứng: cúm, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, chất tiết từ mắt thường chảy nước. Thường bắt đầu ở một mắt và có thể lan sang mắt kia trong vòng vài ngày.

- Nguyên nhân do vi khuẩn: Thường có dịch tiết (mủ), có thể dẫn đến mí mắt dính vào nhau. Đôi khi có thể gây nhiễm trùng tai.

- Nguyên nhân do dị ứng: Thường xảy ra ở cả hai mắt. Có thể có cảm giác ngứa dữ dội, chảy nước mắt, sưng tấy ở mắt, ngứa mũi, hắt hơi, ngứa họng hoặc hen suyễn.

- Nguyên nhân do chất kích thích: Có thể chảy nước mắt và tiết dịch nhầy.

Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ gây nên những khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh. Biện pháp cơ bản và quan trọng nhất đó là vệ sinh tốt để kiểm soát sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ. Có thể kể đến các biện pháp sau đây:

- Tay có thể chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, vì vậy không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mát, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Lựa chọn các mỹ phẩm trang điểm mắt an toàn.

- Không dùng chung mỹ phẩm trang điểm mắt hoặc các vật dụng chăm sóc mắt cá nhân.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Lưu ý: Không áp dụng những phương pháp dân gian như nhỏ chanh, xông nước thuốc, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng.

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh đau mắt đỏ. Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy. 

2. Chuyên gia của CDC. Conjunctivitis (Pink Eye), CDC.

3. Tác giả Muhammad F. Hashmi và cộng sự. Conjunctivitis - StatPearls.

4. Chuyên gia của CDC. Conjunctivitis Information for Clinicians - CDC.

5. Tác giả Micah M. Pippin; Jacqueline K. Le. Bacterial Conjunctivitis - StatPearls.

Tác giả: Dược sĩ Phương Thảo

Bài viết liên quan