Backgroup Default
Thứ sáu, 22/6/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em
Ngày đăng:  29/01/2024, Lượt xem: 44

Bệnh thận mạn tính là sự xuất hiện của các tổn thương thận, có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào kể cả trẻ em. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối thì cần phải lọc máu hoặc ghép thận.
Bệnh thận mạn tính là có sự xuất hiện của các tổn thương thận hoặc mức lọc cầu thận. Các tổn thương này phải tồn tại trong 3 tháng trở lên vì bất cứ nguyên nhân gì. Đây là hiện tượng mất dần chức năng thận, dẫn đến nhu cầu thay thế thận.
Nếu được phát hiện sớm, điều trị phù hợp thì bệnh có thể cải thiện cho kết quả tốt, làm chậm xơ hóa cầu thận và tiến triển tới giai đoạn cuối. Khi thận không hoạt động bình thường, có thể gây ra các biến chứng và suy thận.
Nguyên nhân gây suy thận mạn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận mạn, trong đó có nguyên nhân tại thận như: Loạn sản thận, van niệu đạo sau, thận đa nang, bệnh nang thận có tính chất gia đình, thận hư bẩm sinh, hội chứng huyết tán urê máu cao,…
Nguyên nhân tiếp theo là do: Hội chứng thận hư do đột biến gen, hội chứng thận hư kháng các thuốc ức chế miễn dịch, viêm thận do Henoch - Schönlein, viêm thận do Lupus, viêm cầu thận tiến triển nhanh, bệnh thận IgA, hội chứng Alport,…
Bệnh thận mạn có 5 giai đoạn và giai đoạn 5 được gọi là suy thận mạn. Sự tiến triển qua các giai đoạn, xảy ra nhanh hay chậm ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.

Bệnh thận mạn tính là có sự xuất hiện của các tổn thương thận

Biểu hiện của bệnh thận mạn ở trẻ
Tùy từng trẻ, tùy từng giai đoạn khác nhau mà bệnh thận mạn tính ở trẻ cũng có các biểu hiện khác nhau. Nhìn chung khi mắc bệnh thận mạn tính, trẻ có có các biểu hiện: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay hoặc toàn thân.
Trẻ đi tiểu thường xuyên, ở trẻ từ 5 tuổi trở lên sẽ đái dầm kéo dài. Còi cọc hoặc tăng trưởng kém so với các bạn cùng lứa tuổi. Thường xuyên đau đầu do huyết áp cao. Nhìn thấy máu trong nước tiểu. Thiếu máu và xanh xao do giảm sản xuất hồng cầu.
Tuy nhiên, ở trẻ lớn hơn thì triệu chứng tiềm ẩn, khó phát hiện hơn hoặc đi kèm với các triệu chứng của bệnh nền. Các yếu tố gây còi xương, chậm phát triển thể chất ở trẻ là do không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, năng lượng hoặc chất đạm.
Trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500g), trẻ sinh thiếu tháng sẽ dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, mẹ bầu bị bệnh hoặc dùng thuốc sẽ không tốt cho thận trong thai kỳ, thận của trẻ cũng dễ bị tổn thương hơn.
Để chẩn đoán, ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm làm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh, chẩn đoán nguyên nhân và cho biết giai đoạn bệnh thận mạn.
Siêu âm cho thấy hình ảnh tổn thương thận (thận nhỏ, thận đa nang, thận lạc chỗ,…) và các cấu trúc xung quanh. Siêu âm đồng thời có thể đưa ra gợi ý về nguyên nhân gây ra các vấn đề về thận.
Sinh thiết thận, với một mảnh mô thận nhỏ được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của thận.
Ngoài ra, trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh khác sau đó phát hiện ra bệnh thận mạn. Thông thường, khi trẻ có các triệu chứng được liệt kê ở trên, bác sĩ của con bạn sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thận mạn.
Không thể chữa khỏi bệnh thận mạn, nhưng việc điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn bệnh trở nên nặng hơn.

Khi bị bệnh thận mạn tính trẻ sẽ có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn... Ảnh minh hoạ

Điều trị bệnh thận mạn tính ở trẻ
Tùy mức độ điều trị các bác sĩ sẽ có phác đồ thích hợp.
Điều trị nội khoa bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn để giúp trẻ duy trì sức khỏe tốt nhất có thể. Tăng năng lượng ăn, hạn chế chất đạm (thịt, cá,…) và các loại trái cây nhiều kali, hạn chế muối và nước,…. Thuốc để kiểm soát huyết áp, protein niệu và cholesterol máu. Điều trị thiếu máu. Điều trị các biến chứng.
Các phương pháp điều trị thay thế được áp dụng khi trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối: Thận không còn đủ khả năng để hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày như:
- Ghép thận là phương pháp điều trị thay thế thận tốt nhất, trẻ có thể ăn uống và sinh hoạt gần như bình thường.
- Thận nhân tạo, bệnh nhân gắn liền với bệnh viện, thực hiện lọc máu tại bệnh viện 3 - 4 lần/tuần (3 - 4 giờ/lần).
- Lọc màng bụng sử dụng chính màng bụng của cơ thể để lọc chất cặn bã và nước thừa ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân được phẫu thuật đặt một ống thông nhỏ (cathete) mềm vào ổ bụng. Bệnh nhân hoặc người chăm sóc sẽ được nhân viên y tế huấn luyện để tự thay dịch hàng ngày ở nhà. Bệnh nhân đến viện 1 lần mỗi tháng để khám.

BS. Nguyễn Văn Liên
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan