Khi trẻ bị sốt có thể làm cha mẹ rất lo lắng, đặc biệt là những người lần đầu tiên thấy con bị sốt. Các bậc phụ huynh sẽ tự hỏi sốt bao nhiêu độ là cao và có nên cho trẻ đi khám ngay không, cần phải chăm sóc trẻ như thế nào?
Sốt không phải bệnh mà là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiều bệnh tật, phổ biến nhất là các bệnh liên quan đến nhiễm trùng. Bình thường nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ dao động trong khoảng từ 36,5 - 37,5 độ C. Khi trẻ bị sốt thì nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng lên trên 38 độ C.
Lưu ý: Nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ có sự thay đổi tùy theo các thời điểm khác nhau trong ngày, thân nhiệt sẽ thấp hơn vào buổi sáng và cao hơn một chút vào buổi tối, thân nhiệt tăng lên khi trẻ chạy nhảy, chơi đùa, tập thể dục. Đây là phản ứng sinh lý bình thường của trẻ và đây không phải là sốt.
1. Sốt ở trẻ do đâu?
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bị sốt do nhiều nguyên nhân cụ thể:
- Cytokine và chất trung gian được cơ thể sản sinh ra để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
- Cơ thể tạo ra nhiều đại thực bào hơn để chống chọi lại các tác nhân xâm nhập vào cơ thể.
- Cơ thể tạo ra kháng thể tự nhiên để chống lại nhiễm trùng và ngăn chặn sự xâm nhập của chúng ở những lần tiếp theo.
- Một số loại vi khuẩn được bao bọc trong một lớp màng, khi lớp màng này vỡ ra, các chất bên trong xâm nhập vào cơ thể gây độc cho cơ thể.
Một số yếu tố làm tăng thân nhiệt khiến trẻ bị sốt, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Khi bị nhiễm trùng có thể sẽ kích thích các cơ chế bảo vệ tự nhiên bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể.
- Mặc quần áo quá chật hoặc quá dày: Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh, vì trẻ vẫn chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt tốt như trẻ lớn. Do đó, cha mẹ cần chú ý cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, tránh cho trẻ mặc quá kín, gây cảm giác bí bách. Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị sốt, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra.
- Tiêm vắc xin: Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C và không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã được uống thuốc hạ sốt thì trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Trẻ mọc răng: Thông thường trẻ sẽ bị sốt nhẹ khi mọc răng. Lúc này thân nhiệt của trẻ dao động trong khoảng 38 - 38,5 độ C.
- Mắc các bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra như: Cảm lạnh, cảm cúm…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Trẻ mới được truyền máu…
Sốt không phải bệnh mà là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiều bệnh tật. Ảnh minh hoạ
2. Cách kiểm tra khi trẻ bị sốt
Đo nhiệt độ cơ thể của trẻ là cách đơn giản nhất để xác định trẻ có sốt hay không. Cha mẹ có thể đo nhiệt độ cho trẻ bằng cách:
- Đo thân nhiệt ở nách: Đây là cách đo nhiệt độ dễ thực hiện nhất, nhưng độ chính xác không cao như những cách khác. Cha mẹ lau khô nách của trẻ, sau đó đưa nhiệt kế vào nách rồi áp sát khuỷu tay vào ngực, giữ yên trong 4 - 5 phút.
- Đo thân nhiệt ở miệng: Vệ sinh nhiệt kế cẩn thận, sau đó đặt lên lưỡi của trẻ, giữ nhiệt kế bằng môi. Cho trẻ giữ yên nhiệt kế trong 1 phút đối với nhiệt kế điện tử hoặc 3 phút đối với nhiệt kế thủy ngân.
- Đo thân nhiệt ở tai: Cha mẹ kéo tai ngoài của trẻ, đặt nhiệt kế vào tai của trẻ và giữ yên trong 2 phút. Cách đo nhiệt độ này chỉ nên sử dụng khi trẻ đã được 6 tuổi trở lên. Nếu trẻ vừa ở trời lạnh vào, cha mẹ nên đợi ít nhất 15 phút mới tiến hành đo nhiệt độ ở tai cho trẻ.
- Đo thân nhiệt ở trực tràng: Cách đo nhiệt độ này cho kết quả đo chính xác nhất và thường được dùng ở trẻ sơ sinh. Đặt trẻ trong tư thế nằm sấp, bôi chất bôi trơn lên đầu đo của nhiệt kế, sau đó đặt vào hậu môn của trẻ và giữ yên nhiệt kế trong 1 phút đối với nhiệt kế điện từ và 2 phút đối với nhiệt kế thủy ngân.
Lưu ý: cha mẹ có thể dùng nhiệt kế kỹ thuật số thay vì dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho trẻ, vì loại nhiệt kế này dễ vỡ và khi chúng bị vỡ có thể gây tổn thương, khiến trẻ bị nhiễm độc.
3. Cách chăm trẻ bị sốt tại nhà
- Sử dụng thuốc hạ sốt
Do bản chất của sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, phụ huynh chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ bị sốt 38,5 độ C trở lên. Không cho trẻ dưới 2 tháng uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có ý kiến của bác sĩ. Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi cần thiết và ngưng khi các triệu chứng không còn.
- Tắm nước ấm cho trẻ
Cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen trước khi tắm. Nếu chỉ tắm mà không dùng thuốc trẻ có thể biểu hiện run, do cơ thể cố nâng nhiệt độ cơ thể lên. Điều này có thể làm trẻ cảm thấy mệt hơn.
Lưu ý: không được pha rượu vào nước tắm hoặc chà xát cơ thể trẻ với rượu hoặc tắm bằng nước lạnh.
- Một số cách để trẻ dễ chịu hơn khi sốt
Khi bị sốt trẻ có thể cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu. Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể thực hiện để trẻ thấy dễ chịu hơn:
- Cho trẻ uống nhiều nước để ngừa mất nước. Nước đun sôi để nguội, sữa, nước súp, nước trái cây,... đều là những chọn lựa tốt.
- Nếu trẻ uống đủ nước, đừng cố ép trẻ ăn nếu trẻ không muốn.
- Đảm bảo cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Ủ ấm quá mức hay mặc quần áo quá dày có thể làm cho nhiệt độ của trẻ tăng thêm.
- Nếu trẻ có biểu hiện lạnh run, hãy cho trẻ đắp thêm mền. Bỏ bớt mền đi khi trẻ không còn lạnh run nữa.
4. Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám?
Mặc dù phần lớn các trường hợp trẻ sốt có thể khỏi bệnh bằng cách uống thuốc hạ sốt và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi có các biểu hiện sau:
- Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi: Sốt 38 độ C (đo ở trực tràng), ngay cả khi nhìn biểu hiện bên ngoài của trẻ vẫn có vẻ tốt.
- Đối với trẻ từ 3 - 36 tháng tuổi: Sốt trên 38 độ C (đo ở trực tràng) kéo dài hơn 3 ngày, hoặc khi trẻ có những biểu hiện không tốt như: Bứt rứt, không chịu bú,…
Ngoài ra, trẻ em ở mọi lứa tuổi cần phải đi khám khi nhiệt độ đo ở miệng, trực tràng, tai hoặc trán từ 40 độ C trở lên. Nhiệt độ đo ở nách từ 39,4 độ C trở lên. Co giật do sốt. Sốt liên tục không hạ (ngay cả khi chỉ kéo dài vài giờ). Sốt ở trẻ có bệnh lý nền như: Bệnh tim, ung thư, lupus ban đỏ hệ thống hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm. Sốt kèm theo phát ban trên da.
BS. Nguyễn Thị Bích
www.suckhoedoisong.vn