Backgroup Default
Thứ năm, 2/1/2025
TRANG CHỦ    Phòng ban - đơn vị    Khoa TT - GDSK
Ngày đăng:  07/02/2024, Lượt xem: 268

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm: Thịt, cá, trứng, nem, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh ngọt, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu...
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, và thậm chí có thể trà trộn thực phẩm không an toàn làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Chọn thực phẩm tươi; rau, củ ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Trái cây nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
2. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn: Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau chén, dĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn,... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Chúng ta tuyệt đối không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh; không ăn các loại thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ăn quà vặt ngoài cổng trường: ô mai, các loại kẹo xanh đỏ phẩm màu loè loẹt … Và thực hiện rửa tay bằng xà phòng vào các thời điểm như: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi chơi hoặc cầm nắm vào đồ vật nơi công cộng (tay vịn cầu thang, tay nắm cửa); sau khi ho, hắt hơi.
Vậy để đảm bảo sức khỏe cộng đồng hãy thực hiện đúng các khuyến cáo về lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không có nhãn mác hoặc thực phẩm của các hàng bán rong.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Long Phú kiểm tra các hàng quán trong những ngày cận tết

Để có thể đón tết vui vẻ và vẫn giữ gìn được sức khỏe, mọi người cần chú ý ăn vừa đủ các món ăn ngày tết, ăn đúng giờ, không nên ăn quá nhiều vì các món ăn ngày tết thường chứa nhiều năng lượng. Không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn mứt, kẹo nhiều suốt ngày để tránh bỏ bữa ăn chính gây ảnh hưởng đến tình trạng tăng trưởng dinh dưỡng của các trẻ sau Tết.

Bài: Minh Hải
Ảnh: Hồng Đào

Bài viết liên quan