Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cù Lao Dung, ngày 08/04/2024 về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có tổng số 29 em học sinh, trong đó có 27 em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đau đầu sau khi ăn kẹo. Theo thông tin ban đầu: vào lúc 09 giờ 00 phút ngày 08/04/2024 có 01 học sinh lớp 5A mua kẹo qua mạng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không phụ đề tiếng việt đem vào trường bán lại cho các bạn, nhóm gồm 02 thành viên đi bán lẻ tại từng lớp học. Số lượng khoảng 0,5kg kẹo chiết ra đựng vào túi nhỏ để giao bán lại do các em có đặt hàng trước đó. Bao kẹo không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không phụ đề tiếng việt, không có hạn sử dụng. Sau khi ăn kẹo khoảng 15 phút, các em học sinh có triệu chứng, đau bụng, đau đầu... được nhà trường đưa các em vào Trạm Y tế xã An Thạnh 1 để theo dõi.
Đội Cấp cứu lưu động của Trung tâm Y tế huyện Cù Lao Dung đã đến khám, phân loại và đã chuyển 27 trường hợp về khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Cù Lao Dung điều trị, 02 trường hợp nhẹ đang theo dõi tại trạm Y tế xã An Thạnh 1. Hiện tại tình trạng sức khỏe của tất cả các em đã ổn.
Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, cơ sở giáo dục thường được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo, kiểm soát ngày càng chặt chẽ. Mặc dù vậy, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn tại cơ sở giáo dục, nhất là an toàn thực phẩm đối với các quán hàng ăn vặt lưu động được bày bán trước cổng trường học. Ngoài ra, tại một số địa phương, các tổ chức, cá nhân tổ chức tặng miễn phí, phân phát các sản phẩm thực phẩm trong và ngoài khu vực nhà trường nhằm giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, do vậy nguy cơ sử dụng thực phẩm không an toàn nếu như không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với loại hình này.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo một số lưu ý như sau:
- Kiểm tra bao gói: bánh, kẹo,… trước khi ăn, nên kiểm tra bao gói bên ngoài không bị rách, thủng, đồ ăn bên trong bị vỡ, dập, nát, không còn nguyên vẹn; Với những loại đồ uống đựng trong hộp có dấu hiệu phình to bất thường thì không nên uống.
- Đọc nhãn sản phẩm: Cần đọc kỹ các thông tin cơ bản về sản phẩm: tên thực phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng của thực phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của hàng hoá. Thông thường, các loại đồ ăn, uống có in ngày, tháng, năm sản xuất phía trên và hạn sử dụng phía dưới để thuận tiện cho người tiêu dùng. Phải từ chối nhận, trả lại hoặc không sử dụng những món ăn, đồ uống đã quá hạn sử dụng.
- Quan sát dấu hiệu bên ngoài của thực phẩm: Món ăn có đốm đen, đốm trắng, bề mặt ướt, chảy nước, bị nhớt… là những món có dấu hiệu bị hỏng, không nên sử dụng.
- Cảnh giác với những thực phẩm có màu sắc sặc sỡ: Đồ ăn, uống dành cho trẻ em thường có màu sắc bắt mắt và hấp dẫn. Tuy nhiên, đây cũng tiềm ẩn những nguy cơ sử dụng chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu… không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Nên hạn chế dùng những món ăn, đồ uống có nhiều màu sắc rực rỡ, những món có hương vị hấp dẫn do tẩm ướp chất phụ gia và hóa chất không rõ nguồn gốc.
- Đánh giá cảm quan trước khi ăn, uống: thức ăn, đồ uống có vị lạ, mùi hắc, chua. Khi uống sữa, nước trái cây đựng trong hộp kín, nên cắm ống hút, uống thử một ngụm nhỏ để nếm thử mùi vị. Nếu đồ uống có vị chua, lên men, mùi vị bất thường thì nên dừng ngay, không uống nữa.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời.
Chi cục ATVSTP tỉnh Sóc Trăng