Backgroup Default
Thứ năm, 26/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Cây thuốc quanh ta
Ngày đăng:  01/02/2024, Lượt xem: 421

Ngoài làm gia vị trong chế biến thực phẩm, gừng còn là vị thuốc đa dụng trong Đông y, được sử dụng dưới dạng tươi (sinh khương) và khô (can khương).
Gừng tươi có thành phần chủ yếu là tinh dầu, trong đó có: β - zingiberen, ar- curcumen, β- farnesen, α - camphen, β- phelandren, eucalyptol, các hợp chất alcol (geraniol, linalol, borneol, zingeron, zingerol,…).
Theo y học cổ truyền, gừng tươi (sinh khương) vị cay, tính ấm, lợi vào kinh phế, tỳ, vị có tác dụng tán phong hàn, ấm tỳ vị, chống nôn, hóa đờm, giảm ho, lợi niệu, giải độc.
Gừng khô (can khương) là những củ gừng già, phơi khô, hoặc thái phiến phơi khô. Do hàm lượng tinh dầu cao hơn gừng tươi do đó vị cay, thơm cũng tăng lên. Khi dùng có thể sao vàng.

Hệ tiết niệu

1. Cách dùng gừng tươi chữa bệnh đường tiết niệu
- Chữa bí tiểu tiện: Gừng tươi 1-3 lát, ngải cứu 3-6g. Gừng đặt dưới rốn 4-5cm, trên đặt lá ngải cứu đã hơ nóng, làm nhiều lần đi tiểu được. Hoặc dùng điếu ngải cứu đốt cháy như điếu thuốc rồi hơ nóng trên gừng.
- Phù thũng do viêm thận: Gừng tươi, tang bạch bì, trần bì, phục linh, đại phúc bì, mỗi vị 12g, sắc uống ngày một thang, cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Món ăn hỗ trợ: Gừng tươi 50g, hành củ 7 củ, cá lóc 500g, bí xanh 500g, đường phèn 250g, rễ cỏ tranh 500g, táo tàu 300g, lá trà xanh 200g.
Các vị thuốc cho vào nồi nước 1 lít rưỡi nấu sôi một lúc, gạn lấy nước bỏ bã, lại đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 1 lít, để đó. Cá lóc làm sạch cho vào nồi, đổ nước thuốc vào, đun nhỏ lửa cho đến khi cá chín nhừ, cho hành củ đường phèn vào chia làm 3 lần ăn hết cá và nước trong ngày. Dùng liền trong 3-5 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-5 ngày rồi lại bắt đầu 1 liệu trình khác.
- Chữa tiểu tiện sẻn, tiểu dắt: Gừng tươi 6g, lá ngải cứu 20g, hồi hương 20g, bạch quả (sao vàng) 12g. Tất cả giã nhuyễn đắp vào bụng dưới. Sau đó dùng điếu ngải cứu, cứu 2-3 lần. Ngày đắp thuốc 1 lần.

Gừng tươi, lá ngải cứu chữa bí tiểu tiện

- Trị đái dầm, yếu sinh lý, di tinh, liệt dương: Gừng tươi 30g, cá chạch 400g, táo tàu 8g (bỏ hạt). Cá chạch làm sạch, cho vào nồi, cho gừng táo tàu và nước nóng vừa đủ, ninh nhừ. Chia 2 lần. Ăn trong ngày. Ăn cả cái và nước. Ăn liền trong 7-10 ngày.
- Lợi tiểu, hạ huyết áp, trừ phong thấp: Đỗ trọng 30g, ngưu tất 20g, gừng tươi 15g, thận heo 1 đôi; nấu thành canh ăn.
2. Các bài thuốc trị cảm lạnh từ gừng tươi
- Trị cảm mạo phong hàn, đau đầu, sợ lạnh: Gừng tươi 10g, thái lát, sắc lấy nước uống.
Hoặc dùng bài: Gừng tươi 6g, tía tô, kinh giới, bạc hà, mỗi vị 12 g, bạch chỉ, địa liền, trần bì, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang. Uống liền 3-5 ngày.
- Trị đau bụng do lạnh, ăn không tiêu: Gừng tươi, ngải diệp, quế chi, mỗi vị 12g, sắc uống
- Trị ho có đờm, viêm phế quản: Gừng tươi 12g, giã nát, lọc lấy nước cốt, hòa với 1 muỗng mật ong, uống.
Hoặc dùng bài: Gừng tươi, cam thảo, bách bộ, mạch môn, mỗi vị 10g, sắc uống, ngày một thang.

BS. Vũ Quốc Trung
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan