Backgroup Default
Thứ tư, 26/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Cây thuốc quanh ta
Ngày đăng:  24/01/2024, Lượt xem: 103

Vạn niên thanh là thảo dược quý được sử dụng chữa nhiều bệnh trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, cần cảnh giác và không nên tự ý sử dụng dược liệu khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
Đặc điểm cây vạn niên thanh
Vạn niên thanh có tên khoa học Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy; là loài cây thân thảo cao 35-40cm, đường kính thân 1-1,5cm. Lá hình bầu dục thuôn dài, phía gốc tròn, phía trên hẹp nhọn dần, dài 15-20cm, rộng 5-7cm, cuống dài 5-10cm có bẹ ôm lấy thân ở phía dưới.
Cụm hoa tận cùng hay mọc ngang, trên điểm nhiều chấm trắng nhỏ. Quả mọng, thuôn dài.
Vạn niên thanh thường được trồng làm cảnh trong phòng khách do có tác dụng làm sạch không khí. Theo đông y, vạn niên thanh vị cay, hơi đắng, tính hàn, hơi độc. Cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết tiêu thũng, giảm đau, cầm máu. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây nhưng chủ yếu sử dụng rễ và thân cây, có thể dùng tươi hoặc khô có tác dụng như nhau.
Các bài thuốc từ vạn niên thanh
- Điều trị trĩ sưng đau: Dùng cả cây vạn niên thanh giã nát lọc lấy nước, pha thêm với nước sạch để rửa vùng hậu môn.
- Điều trị viêm tuyến mang tai: Sử dụng 20-30g rễ cây tươi, rửa sạch để ráo, giã nhỏ, sau đó đắp thuốc vào vùng da tổn thương. Mỗi ngày 2 lần.
- Trị lỵ trực khuẩn ra máu: Dùng 40g rễ vạn niên thanh tươi mang đi rửa sạch, cắt nhỏ rồi để ráo nước. Tiếp theo cho rễ vào bình thủy tinh ngâm cùng 10ml giấm trắng trong 2 ngày. Sau đó lọc bã thêm 10ml nước đun sôi để nguội hòa thành dạng dung dịch. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3-4ml.

Thân và rễ vạn niên thanh là bộ phận thường được dùng để trị bệnh

- Trị bong gân do ngã: Người bị ngã bong gân, gân cốt không linh hoạt có thể dùng rễ cây vạn niên thanh để nấu nước uống hàng ngày cho đến khi hết đau.
- Trị liệt dương: Cắt ngang thân cây vạn niên thanh rồi cắt nhỏ cho vào ấm nước đun sôi để nguội dùng để điều trị liệt dương, cơ thể suy nhược (uống theo từng đợt mỗi đợt 10-15 ngày).
- Trị thoát giang: Đây là tình trạng sa trực tràng vùng hậu môn, trực tràng sa xuống ra ngoài hậu môn. Có thể dùng cả cây vạn niên thanh sắc với nước, lấy nước này để rửa, vệ sinh vùng bệnh mỗi ngày. Kế đến dùng bột ngũ bội tử bôi vào chỗ bệnh.
- Trị mụn nhọt: Khi bị mụn nhọt, rửa sạch vùng mụn nhọt với nước muối loãng, giã nát cây vạn niên thanh đắp lên.
- Trị bạch hầu, đau họng, viêm họng: Rửa sạch rễ cây, giã nát chắt lấy nước uống, uống ngày 2 lần, mỗi lần 10ml, áp dụng 3-5 ngày.
- Điều trị cảm nắng, đau bụng: Dùng 10-30g toàn bộ cây tươi, sắc uống trong ngày.
- Chữa nóng trong người, thanh nhiệt: Dùng rễ thân vạn niên thanh lượng vừa đủ, sắc lấy nước uống trong 7-10 ngày có thể hỗ trợ giúp lợi tiểu, chữa nóng trong người.

Cây vạn niên thanh

Một số lưu ý khi sử dụng vạn niên thanh
Bản thân vị thuốc này có chứa chất độc có thể gây ngứa da, cộm mắt nếu dính nhựa vào. Nếu ăn phải vạn niên thanh sẽ có triệu chứng đỏ lưỡi, tê môi, nói khó, ngứa họng,... Nếu bị nhựa dính vào da, bạn không nên gãi mà có thể sử dụng nước muối ấm pha loãng rửa, súc miêng ngay. Trường hợp nặng hơn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý thích hợp, kịp thời.
Vạn niên thanh nên được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt và tránh ánh nắng trực tiếp.
Không được tự ý sử dụng cây vạn niên thanh mà cần được làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

BS. Vũ Duy Thành
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan