Backgroup Default
Chủ nhật, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  04/10/2024, Lượt xem: 140

Nhiễm xoắn khuẩn Leptospira có thể gây tổn thương thận cấp và suy gan cấp. Leptospira là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể truyền nhiễm trong các loài động vật gặm nhấm và xâm nhập ngẫu nhiên vào cơ thể con người qua các vết xước.
Nhiễm xoắn khuẩn Leptospirosis - căn bệnh dễ nhầm lẫn không thể chủ quan
Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ bệnh nhi bị viêm phổi, thiếu máu nặng và theo dõi sốt xuất huyết. Tuy nhiên, được các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất điều trị hướng đến bệnh xoắn khuẩn vàng da trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm do nghi ngờ nhiều đến căn bệnh này.
Đúng như dự kiến, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi nhiễm khuẩn Leptospirosis. Đây là một loại bệnh của động vật truyền sang người với các thể lâm sàng đa dạng từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không có vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não đến thể lâm sàng cấp tính điển hình.
Vậy nhiễm xoắn khuẩn Leptospira là bệnh gì?
Nhiễm khuẩn Leptospirosis (Bệnh xoắn khuẩn vàng da) có thể lưu hành rộng rãi ở khắp nơi, bao gồm: Cả nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng, ven biển... Trước đây, nhiều nơi có dịch xoắn khuẩn vàng da ở súc vật nuôi, nhất là lợn trong các trại chăn nuôi và lây sang người. Ngày nay, dịch xoắn khuẩn vàng da ở người hiếm xảy ra, nhưng bệnh vẫn xuất hiện tản phát, nhất là trong mùa mưa, lũ. Bệnh sẽ lây khi tiếp xúc qua da, niêm mạc đối với thú y, người chăn nuôi súc vật trong điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, đặc biệt là ở các trại nuôi lợn, ngư dân, nông dân làm việc trên những cánh đồng trũng, công nhân làm việc trên đầm lầy, hầm mỏ, vệ sinh cống rãnh hoặc bơi ở khu vực nước nhiễm khuẩn.

Suy gan, tổn thương thận cấp do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira- Ảnh 1.

Nhiễm xoắn khuẩn Leptospirosis - căn bệnh dễ nhầm lẫn không thể chủ quan

Biểu hiện khi nhiễm Leptospira
Lâm sàng thường biểu hiện qua 2 giai đoạn
Thể bệnh nhẹ Leptospira
Thường không có biểu hiện vàng da trên lâm sàng chiếm hơn 90% các trường hợp.
- Thời gian ủ bệnh: Từ 1 - 2 tuần, có thể dao động từ 2 - 26 ngày.
- Thời kì khởi phát: Bệnh nhân sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp giống như: Hội chứng cúm, dễ chẩn đoán nhầm với tình trạng sốt vi rút.
- Thời kì toàn phát: Nhiệt độ tăng cao 39 - 40 độ C. Triệu chứng lâm sàng quan trọng là: Đau cơ, đặc biệt ở bắp chân (cơ dép), lưng và bụng. Cảm giác đau tăng khi vận động và xoa bóp. Người bệnh có thể đau vùng trán, sau ổ mắt, sợ ánh sáng, đau đầu và nôn.
- Triệu chứng ít gặp hơn là: Đau họng, phát ban, có thể mê sảng. Biểu hiện hô hấp hay gặp là: Ho và đau ngực, một vài trường hợp có thể ho ra máu.
Hầu hết các trường hợp, triệu chứng ổn định trong vòng 1 tuần. Một số trường hợp, sau khoảng 1 - 3 ngày, triệu chứng của bệnh tái phát, kéo dài vài ngày đến vài tuần, liên quan với sự xuất hiện của kháng thể.
Thời kỳ lui bệnh: Nếu được điều trị sớm, bệnh sẽ khỏi trong vòng 8 - 10 ngày, một số trường hợp không được điều trị, bệnh có thể tự ổn định trong vòng 3 - 6 tuần.
Thể bệnh nặng (hội chứng Weil)
Chiếm từ 5 - 10%, thường có vàng da, rối loạn chức năng thận, xuất huyết nội tạng và tỷ lệ tử vong cao. Sau khoảng 4 - 9 ngày khởi phát bệnh, xuất hiện vàng da, rối loạn chức năng các cơ quan, đặc biệt chức năng thận.
Người bệnh có biểu hiện vàng da rõ, tạo nên màu cam. Đau hạ sườn phải, gan to tuy nhiên không có biểu hiện của hoại tử gan nặng và hiếm khi tử vong do suy chức năng gan. Lách to gặp trong khoảng 20% các trường hợp. Suy chức năng thận thường trong tuần thứ 2 của bệnh, giảm thể tích máu và giảm lượng máu đến thận dẫn đến hoại tử ống thận cấp, thiểu niệu hoặc vô niệu.
Tổn thương phổi có thể gặp với triệu chứng: Ho, khó thở, đau ngực, ho máu, nặng hơn là suy hô hấp.
Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra như: Chảy máu cam, ban xuất huyết, tụ máu, thậm chí có thể xuất huyết tiêu hóa, tuyến thượng thận và khoang dưới nhện. Thậm chí còn gây: Suy tim sung huyết, sốc tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng khi nhiễm Leptospira nặng.

Suy gan, tổn thương thận cấp do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira- Ảnh 2.

Nếu phát hiện người thân có những biểu hiện bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm

Lời khuyên thầy thuốc
Nhiễm xoắn khuẩn Leptospira rất nguy hiểm. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tổn thương thận, viêm màng não (viêm màng xung quanh não và tủy sống), suy gan, suy hô hấp và có thể gây tử vong. Nhiều trong số các triệu chứng trên có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Do đó, đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có kiến thức chuyên môn vững chắc cũng như kinh nghiệm lâm sàng để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Vì vậy, nếu phát hiện người thân có những biểu hiện bệnh như trên, cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh những biến chứng nặng của bệnh và gây những hậu quả đáng tiếc.

BS. Trần Thanh Thảo
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan