Backgroup Default
Thứ tư, 26/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  11/01/2024, Lượt xem: 329

Tăng men cao (men gan cao) là dấu hiệu cảnh báo các tế bào gan bị tổn thương hoặc bị viêm. Khi đó, các tế bào gan bị tổn thương sẽ giải phóng men gan vào máu dẫn đến mức độ cao hơn so với bình thường, gây nên tình trạng tăng men gan khi xét nghiệm máu.
Nguyên nhân bị tăng men gan?
Rất nhiều tình trạng và bệnh lý có thể gây tăng men gan (men gan cao) và tiên lượng cũng rất khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Bằng cách xem xét các dấu hiệu, triệu chứng, tiền căn sử dụng thuốc, một số cận lâm sàng và thủ thuật khác, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng tăng men gan.
Những nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Thuốc, đặc biệt là acetaminophen (paracetamol)
- Rượu bia.
- Viêm gan vi rút A, B, C.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
- Béo phì.
- Suy tim.
Những nguyên nhân khác gây tăng men gan ít gặp hơn:
- Viêm gan tự miễn.
- Bệnh Celiac (tổn thương ở ruột non gây ra bởi gluten).
- Nhiễm Cytomegalovirus (CMV).
- Nhiễm Epstein – Barr vi rút.
- Bệnh ứ sắt (quá nhiều sắt tích tụ trong cơ thể).
- Ung thư gan.
- Viêm đa cơ.
- Nhiễm trùng huyết.
- Nhiễm độc gan.
- Bệnh Wilson (quá nhiều đồng tích tụ trong cơ thể).
Biểu hiện khi tăng men gan
Các tổn thương gan cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh tiến triển thành xơ gan, suy gan và thậm chí là ung thư gan. Những đối tượng cần lưu ý, chỉ số men gan là người đang bị bệnh gan mật, người uống nhiều rượu bia, có tiền sử gia đình bị bệnh gan, người có bệnh nền huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu, tim mạch…
Khi men gan tăng cao, nếu ở mức độ nhẹ, các triệu chứng sẽ không rõ ràng. Men gan tăng càng cao thì những biểu hiện của bệnh sẽ càng nghiêm trọng.
Dưới đây là một số triệu chứng điển hình khi tăng men gan:
Vàng da: Là một trong những triệu chứng điển hình khi cơ thể gặp phải những vấn đề về gan. Không chỉ vàng da, bệnh nhân còn có thể bị vàng mắt, thậm chí cả móng tay, đồng thời trong khoang miệng xuất hiện dịch nhầy.
Ngứa da: Mẩn ngứa da có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tình trạng tăng men gan, vì gan không đào thải kịp độc tố nên chúng có thể tích tụ trên da và khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện tình trạng mẩn ngứa trên da, không nên chủ quan mà hãy đi khám sớm. Tình trạng ngứa da càng nghiêm trọng thì có nghĩa là mức độ tổn thương gan càng nặng, men gan sẽ tăng.
Phân màu nhạt và nước tiểu đậm màu: Khi men gan tăng cao, người bệnh có thể nhận thấy sự khác biệt ở màu phân và màu nước tiểu, cụ thể nước tiểu thường đậm màu hơn và phân lại nhạt màu hơn, có thể kèm theo tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Phù, cổ chướng: Khi men gan tăng cao, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng phù nề ở một số bộ phận trên cơ thể, chẳng hạn như: Chân, bàn chân, mắt cá chân,..
Bên cạnh những nguyên nhân trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: Mệt mỏi, thay đổi tâm lý, chán ăn, giảm ham muốn tình dục, thường xuyên đi ngoài, buồn nôn,…
Một số dấu hiệu nặng như: Lòng bàn tay son, vú to ở nam, bụng to, sưng chân, nôn ra máu, đi cầu phân đen …

Người bị men gan cao nên bổ sung các thực phẩm chứa vitamin B

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu xét nghiệm máu cho thấy có các biểu hiện nghi ngờ men gan cao, cần gặp bác sĩ để biết kết quả xét nghiệm của có nghĩa là gì. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống (tập thể dục, giảm cân, ngưng hoặc thay đổi một số thuốc) và theo dõi định kỳ hoặc thực hiện thêm các cận lâm sàng và thủ thuật khác để xác định nguyên nhân.
Nên và không nên ăn gì khi bị men gan cao?
Những loại thực phẩm được khuyên dùng để giảm tình trạng men gan cao là:
- Nước trái cây.
- Trà xanh.
- Ngũ cốc.
- Thực phẩm chứa vitamin A, vitamin B.
Bên cạnh thực phẩm đã nêu trên, người bệnh nên tránh các thực phẩm sau:
- Đồ uống có cồn.
- Đồ cay nóng.
- Đồ ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.
- Thực phẩm nhiều đường.
Phòng ngừa tăng men gan bằng cách nào?
- Nếu có thể hạn chế tối đa rượu bia đưa vào cơ thể.
- Không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc hết hạn và các thuốc gây độc cho gan.
- Ăn uống hợp vệ sinh, không ăn gạo mốc, thức ăn ôi thiu, sử dụng nguồn nước sạch.
- Tuyệt đối không sử dụng chung kim tiêm hoặc các vật dụng có thể tiếp xúc với máu.
- Theo dõi, duy trì cân nặng cơ thể luôn ở mức hợp lý. Tập thể dục thường xuyên.
- Khi men gan tăng từ 2 lần so với bình thường nên đi kiểm tra lại sau 3 tháng.
- Nên đi tiêm phòng các bệnh viêm gan do vi rút như: Viêm gan B, viêm gan C để phòng tránh nhiễm bệnh.

BSCKI. Phạm Thị Thanh
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan