Backgroup Default
Thứ tư, 15/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  18/07/2024, Lượt xem: 245

Sỏi thận là tình trạng tích tụ và lắng đọng các khoáng chất trong nước tiểu tạo thành các tinh thể cứng tại thận thuộc đường tiết niệu.
Có 3 yếu tố chính gây tác động đến quá trình hình thành sỏi thận đó chính là nước tiểu cô đặc và nồng độ khoáng chất tăng cao, nhưng chất ức chế kết tinh sỏi lại giảm.
Ngoài ra, chế độ ăn, uống và sinh hoạt cũng có tác động không nhỏ đến sự hình thành sỏi như: Ăn nhiều muối, đường, protein động vật, ăn nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm giàu oxalat, có thói quen lười vận động, thừa cân béo phì,...
1. Đông y có chữa được sỏi thận?
Theo Đông y, bệnh sỏi tiết niệu được gọi là thạch lâm, nguyên nhân hoặc do ngày thường ăn nhiều thức ăn cay nóng, hóa sinh thấp nhiệt, uất kết lâu ngày rồi dồn xuống bàng quang làm cho khí hóa trở nên trệ không thông. Hoặc do phòng sự quá độ, thận âm hao tổn, âm hư hỏa động ảnh hưởng đến tác dụng khí hóa của bàng quang, làm cho tạp chất của nước tiểu kết lại mà thành sỏi.
Tùy theo thể bệnh thấp nhiệt hay thận hư mà có các phương thuốc khác nhau. Các bài thuốc thường dùng kết hợp với nhau là: Kim tiền thảo, trái dành dành, hoa, lá mã đề, cam thảo đất, sa tiền tử,… Các vị thuốc trên có thể dùng tươi, khô đều được.
Điều quan trọng là để đề phòng tái phát, bệnh nhân cần uống nhiều nước (1,5 - 2 lít/ngày), ăn nhiều rau, trái cây tươi, tập thể dục đều đặn, tránh dùng các loại thức ăn, thuốc uống gây lắng đọng canxi.

Sỏi thận là tình trạng tích tụ và lắng đọng các khoáng chất trong nước tiểu tạo thành các tinh thể cứng tại thận thuộc đường tiết niệu

2. Xử trí sỏi thận
Bệnh sỏi thận không được chữa trị sớm sẽ gây nhiều phiền toái và khó chịu cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày, gây đau buốt khi đi tiểu. Khi bị sỏi thận các biện pháp xử trí thường là:
- Giảm lượng nước uống vào khi đang có cơn đau quặn thận.
- Sử dụng kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Tùy cơ địa bệnh nhân, số lượng và kích thước sỏi, tình trạng chức năng thận từng bên… bác sĩ sẽ quyết định dẫn lưu tối thiểu bể thận qua da, hoặc mổ cấp cứu.
- Tùy vị trí của viên sỏi và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ quyết định áp dụng phương pháp mổ sỏi thận phù hợp để cho kết quả tốt nhất, tiết kiệm chi phí.
3. Xử trí sỏi thận tại nhà
Chữa sỏi thận không nhất thiết phải tán sỏi hay điều trị bằng thuốc. Nếu được phát hiện sớm, kích thước sỏi còn nhỏ (dưới 4mm) thì có thể đào thải ra ngoài bằng những cách điều trị tại nhà. Dưới đây là cách đẩy sỏi thận ra ngoài tại nhà không cần dùng thuốc:
- Uống nước: Nước giúp đào thải sỏi thận qua đường tiểu, vì vậy nên uống mỗi ngày khoảng 2 - 2,5 lít nước chia thành nhiều thời điểm, không uống dồn dập cùng 1 lúc sẽ khiến cho cơ quan tiết niệu làm việc quá sức và có thể gây nước.
- Cách đẩy sỏi thận ra ngoài tại nhà bằng phương pháp dân gian như: Nước ép rau ngổ, rau má, dứa. Sắc nước râu ngô, bông mã đề, cỏ xước, kim tiền thảo… uống thay nước hằng ngày.
- Ăn nhiều thực phẩm có axit citric có nhiều trong trái cây họ cam, quýt.
- Bổ sung đủ canxi. Canxi trong thực phẩm có xu hướng liên kết với oxalat - thường có trong thực phẩm ăn hàng ngày - tại ruột và bị đào thải qua phân, thay vì qua đường tiết niệu. Các sản phẩm từ sữa như: Sữa, phô mai và sữa chua là nguồn canxi tốt, nên được thêm vào chế độ ăn, uống hàng ngày.
- Cắt giảm lượng muối ăn hàng ngày.
- Giảm bớt thức ăn chứa nhiều protein động vật chẳng hạn như: Thịt, cá và sữa, sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Những lưu ý khi áp dụng cách đẩy sỏi thận ra ngoài tại nhà
- Chỉ phù hợp với những bệnh nhân mắc sỏi thận mới hình thành và có kích thước nhỏ.
- Hiệu quả của những cách trên còn phụ thuộc vào kích thước sỏi, cơ địa và sự kiên trì của bệnh nhân.
- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng.
4. Sỏi thận có chữa được không?
Sỏi thận nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không gây nguy hiểm và có thể chữa khỏi được nhưng dễ tái phát.
Nếu để lâu, sỏi thận có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như:
- Tắc nghẽn đường tiết niệu.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Suy thận cấp tính, mạn tính.
- Vỡ thận.

Nếu sỏi nhỏ dưới 5mm thường sẽ uống nhiều nước để đào thải ra ngoài bằng đường tiểu, hoặc các bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc giảm đau, kháng sinh nếu nhiễm trùng

5. Vì sao sỏi thận dễ tái phát?
Sỏi thận tái phát đều do những nguyên nhân nhất định. Có thể chia lý do:
- Thói quen ăn, uống, sinh hoạt: Uống không đủ nước, ăn nhiều thịt đỏ. Nhịn ăn sáng.
- Không luyện tập thể thao: Lối sống không thể dục, thể thao khiến các chức năng trong cơ thể hoạt động kém đi, khả năng trao đổi chất kém. Bổ sung thừa canxi.
- Người hấp thụ kém, người đào thải kém: Những người có cơ chế hấp thụ chất dinh dưỡng kém thường rất khó tiếp nhận canxi, photpho, magie,... và một số loại muối khoáng khác. Các chất này sẽ bị đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Tuy nhiên, quá trình đào thải sẽ không được sạch sẽ mà vẫn lắng lại một số trong thận và hình thành sỏi thận.
Niệu quản bất thường.
- Những người mắc bệnh nền như: U tuyến giáp, tuyến giáp hoạt động kém cũng khiến hoạt động của tuyến cận giáp kém đi. Dẫn đến tình trạng lắng đọng canxi tại vùng thận làm tăng nguy cơ tái mắc lại sỏi thận.

BS. Dương Quang Tùng
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan