Backgroup Default
Chủ nhật, 3/11/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  12/07/2024, Lượt xem: 145

Sỏi bàng quang là bệnh lý phổ biến về đường tiết niệu, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Viêm bàng quang, bể thận, suy thận, ung thư bàng quang,…
Sỏi bàng quang do đâu?
Sỏi bàng quang thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi được hình thành trong bàng quang thường có kích thước lớn do tích tụ các cặn sỏi lâu ngày từ nước tiểu trong bàng quang.
Ngoài ra, sỏi bàng quang còn là những sỏi thận di chuyển xuống niệu quản và rơi vào bàng quang. Những sỏi bàng quang nhỏ có thể thoát ra ngoài dễ dàng khi tiểu. Những sỏi lớn hơn 8mm thường bị kẹt ở cổ bàng quang hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài) gây tiểu đau, dòng nước tiểu yếu hoặc bí tiểu cấp.
Một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến sỏi bàng quang. Đôi khi một tình trạng tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng chứa đựng, hoặc tống xuất nước tiểu của bàng quang có thể dẫn đến hình thành sỏi bàng quang. Bất kỳ vật chất lạ nào có trong bàng quang đều có xu hướng hình thành sỏi trong bàng quang.
Các trường hợp phổ biến nhất gây ra sỏi bàng quang bao gồm:
- Phì đại tuyến tiền liệt: (Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, hoặc BPH) có thể gây sỏi bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn.
- Các tổn thương thần kinh: Thông thường, các dây thần kinh mang thông điệp từ não đến cơ bàng quang, điều khiển các cơ bàng quang co thắt hoặc thư giãn. Nếu những dây thần kinh này bị tổn thương do đột quỵ, chấn thương tủy sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác, bàng quang của bạn có thể bị ứ đọng nước tiểu. Điều này được gọi là bàng quang thần kinh.
Các nguyên nhân khác có thể gây ra sỏi bàng quang bao gồm:
- Viêm bàng quang: Đôi khi nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc xạ trị vùng chậu, có thể dẫn đến sỏi bàng quang.
- Sỏi thận: Sỏi hình thành trong thận không giống như sỏi bàng quang. Chúng phát triển theo những cách khác nhau. Nhưng những viên sỏi thận nhỏ có thể đi xuống niệu quản vào bàng quang và nếu không được tống ra ngoài, có thể phát triển thành sỏi bàng quang.

Khi sỏi di chuyển trong bàng quang sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau ở vùng bụng dưới

Biểu hiện sỏi bàng quang
Đôi khi sỏi bàng quang, thậm chí cả những viên lớn đều không gây ra vấn đề gì. Nhưng nếu một viên sỏi kích thích thành bàng quang hoặc ngăn dòng chảy của nước tiểu, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
Đau bụng dưới, đau khi đi tiểu: Khi sỏi di chuyển trong bàng quang sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau ở vùng bụng dưới, những cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy vào kích thước của sỏi và sự di chuyển, vận động của người bệnh. Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm khuẩn cũng có thể khiến người bệnh bị sốt nhẹ.
Có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hoặc có màu sẫm bất thường: Nước tiểu có màu lạ: Khi thận hoặc bàng quang bị nhiễm trùng sẽ khiến cho nước tiểu có màu đục, đậm màu hơn bình thường. Thậm chí, khi sỏi bàng quang cọ xát vào đường tiểu cũng có thể dẫn tới tình trạng chảy máu và gây ra hiện tượng lẫn máu trong nước tiểu.
Đi tiểu thường xuyên, khó đi tiểu hoặc dòng nước tiểu bị gián đoạn: Những người bị bệnh sỏi bàng quang vẫn có thể đi tiểu bình thường, nhưng đôi khi dòng nước tiểu có thể bị tắc, ngắt quãng, kèm theo tình trạng đau buốt ở bộ phận sinh dục. Khi người bệnh đi lại, vận động nhiều thì mức độ đau buốt sẽ tăng lên và đồng thời sẽ giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Dòng tiểu bị tắc nghẽn cũng sẽ khiến người bệnh tiểu rắt, tiểu nhiều lần trong ngày.

Nên uống đủ nước để phòng bệnh

Phòng ngừa sỏi bàng quang
Để hạn chế nguy cơ bị sỏi ở bàng quang chúng ta cần lưu ý:
Uống nhiều nước: Mỗi ngày bạn nên uống 2 - 3 lít nước, giúp cơ thể đào thải những chất độc, cặn bã ra khỏi thận, bàng quang, từ đó tránh sự kết tủa tạo sỏi.
Bổ sung thực phẩm ít chất béo: Các loại thực phẩm như: Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hay không béo nên được bổ sung vào thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, nên hạn chế các món ăn chiên xào rán, không dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn hộp.
Ở những người có tăng axit uric trong máu nên hạn chế thức ăn giàu đạm: Đạm có khả năng làm tích tụ axit uric trong máu, làm hình thành tinh thể muối urat và tích tụ ở bàng quang. Khi đó, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị sỏi. Mỗi ngày chỉ nên bổ sung tối đa 200g thịt, ưu tiên thịt nạc, ức gà và hạn chế hải sản, tôm, cua.
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm chứa lượng chất xơ dồi dào nên bổ sung hằng ngày là: Rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu,… Nam giới bổ sung khoảng 30 - 38g/ngày và nữ giới là 21 - 25g/ngày.
Tránh sử dụng các chất kích thích: Nên hạn chế sử dụng: Bia, rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác. Vì các hóa chất này tích tụ trong cơ thể rất dễ tạo thành sỏi.
Khi có dấu hiệu sỏi ở hệ tiết niệu, người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị sớm.

BSCK2. Nguyễn Thị Ngọc
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan