Backgroup Default
Chủ nhật, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  18/06/2024, Lượt xem: 306

Sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra sự phá huỷ tại chỗ trên mô cứng của răng. Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ gây đau nhức, áp xe, nhiễm trùng, thậm chí mất răng.
1. Các thuốc thường dùng khi sâu răng
Trong điều trị sâu răng, để giảm triệu chứng có thể dùng một số loại thuốc: Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc gây tê tại chỗ. Ngoài ra, có thể cần dùng kháng sinh khi sâu răng gây triệu chứng nặng, toàn thân như: Nhiễm trùng lan toả, áp xe quanh chóp cấp, viêm mô tế bào...
Để điều trị triệt để cần dùng các phương pháp: Lấy tủy, trám, bít, nhổ răng sâu, bọc răng sứ...
Tùy thuộc từng trường hợp bị sâu răng, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
1.1 Thuốc giảm đau
Tác dụng: Giúp giảm đau nhức do sâu răng. Các thuốc phổ biến là acetaminophen (paracetamol). Đây là thuốc giảm đau khá an toàn nên được chỉ định đầu tiên để điều trị đau do sâu răng. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, giúp giảm đau tức thời. Cơn đau sẽ quay trở lại khi thuốc hết tác dụng và không điều trị triệt để nguyên nhân gây sâu răng.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều, kéo dài.

Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ gây đau nhức, áp xe, nhiễm trùng, thậm chí mất răng

1.2. Thuốc kháng viêm không steroid
Tác dụng: Các thuốc thường dùng trong trị đau răng mức độ nặng theo ê buốt, sưng tấy (bao gồm: Aspirin, ibuprofen, diclofenac, meloxicam, etoricoxib…). Các thuốc này còn giúp giảm viêm, giảm giác khó chịu khi sâu răng.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chóng mặt…
Lưu ý: Không nên sử dụng thuốc giảm đau kéo dài (hơn 10 ngày) mà không có chỉ định của bác sĩ. Nên uống thuốc sau khi ăn để hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Thận trọng dùng cho những đối tượng có bệnh lý nền về tiêu hóa, tim mạch, phụ nữ mang thai.
Không sử dụng aspirin (kháng viêm, giảm đau) trước khi nhổ răng hoặc tiến hành phẫu thuật, bởi thuốc có tính chất chống đông máu. Không dùng aspirin cho những bệnh nhân bị dị ứng với NSAID, người dưới 16 tuổi, những người bị hen suyễn, tăng huyết áp không kiểm soát.
1.3 Thuốc gây tê cục bộ
Tác dụng: Các loại thuốc gây tê tại chỗ bao gồm prilocaine, lidocaine, tetracaine, benzocaine… có tác dụng giảm đau nhanh chóng; được sử dụng chủ yếu ở dạng gel/dung dịch để xịt. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng ngắn hạn, do đó không thể giải quyết triệt để những cơn đau răng kéo dài.
Lưu ý: Không dùng thuốc quá 7 ngày. Sau khi bôi thuốc, không ăn, uống trong 1 giờ để tránh thuốc bị rửa trôi.
1.4 Thuốc kháng sinh
Tác dụng: Lựa chọn kháng sinh trị nhiễm khuẩn răng miệng dựa vào vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, đa số trường hợp cần phối hợp các loại kháng sinh họ beta lactam với metronidazol để đem lại hiệu quả cao. Một số kháng sinh được dùng khi sâu răng như: Amoxicillin, phenoxymethylpenicillin, doxycycline, spiramycin và erythromycin…
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây trướng bụng, buồn nôn, phát ban…
1.5 Nước súc miệng
Tác dụng: Nước súc miệng giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng, giảm acid trong miệng, làm sạch kẽ răng và khoảng cách giữa các răng, loại bỏ mảng bám và phòng ngừa sự hình thành của bệnh nha chu…
Các loại nước súc miệng có các chất sát khuẩn: Acid boric, kẽm sulfat, menthol, fluor….
Tác dụng phụ: Lạm dụng nước súc miệng sẽ gây ảnh hưởng đến màng da mỏng trong khoang miệng, tạo các đốm đen/vàng trên răng, thậm chí giảm sức đề kháng của răng.
2. Các phương pháp trị sâu răng khác
2.1 Trám răng
Trám răng là một phương pháp thường được áp dụng khi răng vĩnh viễn ở người lớn có những dấu hiệu như: Mẻ, sứt hoặc vỡ do sâu nặng. Các bác sĩ sẽ dùng chất liệu composite có cùng màu với răng, trám vị trí răng đang bị sâu để ngăn ngừa vi khuẩn tấn công răng, đồng thời giữ lại chức năng nhai và hình dạng tự nhiên.
Rất hiếm gặp các trường hợp dị ứng với chất trám.
2.2 Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là giải pháp hiệu quả cho chữa trị sâu răng ở người trưởng thành, đặc biệt là răng hàm. Bọc răng sứ giúp ngăn chặn tình trạng sâu răng, phục hồi hình dáng, kích thước răng, đồng thời bảo vệ răng.
2.3 Nhổ răng và phục hình răng
Trong trường hợp răng bị hư hỏng nặng, cần nhổ bỏ chiếc răng bị sâu. Có thể trồng răng giả thay thế vào phần răng bị mất. Đây là là giải pháp hiệu quả và phổ biến nhất.
3. Lưu ý khi điều trị sâu răng
Để việc dùng thuốc trị sâu răng hiệu quả, cần thực hiện:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng kháng sinh phải dùng đúng liều lượng, đủ ngày.
- Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân không uống rượu, bia, không hút thuốc, không sử dụng có nhiều màu thực phẩm để tránh làm hỏng men răng.
- Đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ mảng bám và ngăn chặn sự hình thành của vi khuẩn gây ra sâu răng.
- Sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh để tránh làm tổn thương nướu khi chải răng.
- Nên sử dụng các loại kem đánh răng có thành phần fluor để giúp răng chắc khỏe, giúp tránh được sự hình thành của những axit gây hại cho răng.
- Dùng nước súc miệng loại bỏ mảng bám và tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa những bệnh liên quan đến nướu răng.
- Có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa, máy tăm nước để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa trong kẽ răng. Hạn chế dùng tăm xỉa răng.
- Có chế độ ăn, uống khoa học, nhiều rau xanh, tránh các loại thực phẩm từ đường chế biến sẵn.
- Khám định kỳ 03-06 tháng/lần. Lấy cao răng 06 tháng/lần để loại bỏ mảng bám răng.

BS. Phan Nhi
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan