Backgroup Default
Chủ nhật, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  28/05/2024, Lượt xem: 300

Nhiều gia đình cho trẻ đi du lịch hoặc về quê nội ngoại cần đề phòng những tai nạn thường gặp như: Ngã, chó mèo cào, bỏng,... Dưới đây là cách sơ cứu tai nạn thường gặp cho trẻ các bậc phụ huynh cần biết để áp dụng khi cần.
Tai nạn ngã gây chấn thương phần mềm, bong gân, gẫy xương
Khi trẻ bị chấn thương phần mềm (vết bầm tím, sưng) cần đắp khăn nhúng nước lạnh hoặc bọc đá lạnh lên vết thương. Nếu vết thương hở hoặc chảy máu cần rửa bằng nước sạch hoặc dung dịch rửa vết thương, băng sạch để chống nhiễm trùng hoặc băng ép để cầm máu.
Trường hợp trẻ bị bong gân, nên lột bỏ những vật gây chèn ép chỗ sưng như: Giầy, vớ. Nâng khớp xương bị chấn thương trong tư thế dễ chịu nhất cho nạn nhân, đắp lên khớp xương một khăn nhúng nước lạnh hoặc khăn bọc đá để làm bớt sưng và giảm đau. Quấn một lớp bông ở xung quanh khớp xương bị bong gân và quấn băng đủ chặt để cố định.
Nếu cảm giác trẻ bị gãy xương, trật khớp (trẻ bị đau chói, mất cử động hoặc cử động bất thường), gia đình nên kiểm tra xem nạn nhân có bị choáng hoặc bất tỉnh không? Không nên di chuyển nạn nhân nếu có dấu hiệu: Gãy xương hay gãy cột sống cổ và gọi ngay cấp cứu để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Để đề phòng trẻ bị tai nạn do ngã, các gia đình nên lưu ý trẻ em ở tuổi nhũ nhi luôn phải có người lớn bên cạnh trông nom. Trẻ lớn hơn không nên: Cho leo trèo, chạy nhảy gần bờ tường, đống gạch, cột điện. Với các gia đình xây nhà tầng, cửa sổ không có chấn song rất nguy hiểm cho trẻ, nên làm cửa chắn cầu thang ở đầu cầu thang và ban công, cầu thang luôn phải có lan can, tay vịn.

Trường hợp trẻ bị ngã gây bong gân, nên lột bỏ những vật gây chèn ép chỗ sưng như giầy, tất. Ảnh minh họa

Tai nạn do bỏng
Khi trẻ bị bỏng, cần phải ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước mát, sạch càng sớm càng tốt trong vòng 20 phút nhằm hạ nhiệt tại nơi bị bỏng. Nếu trẻ bị bỏng hóa chất thì cần phải dội nước mát, sạch nhiều lần để loại trừ hết hóa chất còn bám trên cơ thể.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị bỏng do hóa chất khô thì lại tuyệt đối không được dùng nước dội rửa mà cần phải nhanh chóng lấy hóa chất khô ra khỏi cơ thể làm sao tránh hóa chất tiếp xúc với cơ thể trẻ càng ít càng tốt. Với bất cứ loại bỏng nào, cha mẹ cũng cần cởi bỏ quần áo, giầy tất, đồ trang sức…tại vùng trẻ bị bỏng trước khi phần bỏng bị phồng rộp.
Để phòng chống choáng cho bệnh nhân, nên ủ ấm cho trẻ để tránh mất nhiệt, nhất là vào mùa đông và cần phải cho trẻ uống đủ nước. Trong trrường hợp trẻ có dấu hiệu nguy hiểm như: Vết bỏng rộng hơn một bàn tay của nạn nhân, bỏng ở mặt, ở bộ phận sinh dục, có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt, chỗ bỏng có mùi, chảy mủ, nạn nhân bất tỉnh hoặc rối loạn tri giác, gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Nếu trẻ bị động vật cắn, việc cần làm ngay là phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng sau đó phủ lên vết thương miếng vải sạch hoặc băng gạc

Tai nạn do động vật cắn
Trẻ về vùng nông thôn hay đi du lịch đến vùng đất lạ sẽ dễ bị động vật như: Chó, mèo, rắn,...tấn công. Nếu trẻ bị động vật cắn, việc cần làm ngay là phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng sau đó phủ lên vết thương miếng vải sạch hoặc băng gạc.
Nếu trẻ bị chó, mèo cắn cần phải theo dõi con vật để phát hiện những biểu hiện bất thường như: Sùi bọt mép, bị ốm sau khi cắn. Thời gian theo dõi tối thiểu phải trong 10 ngày. Nếu phát hiện động vật bị dại phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Nếu trẻ bị rắn cắn thì cần an ủi nạn nhân trong lúc sơ cứu. Trong trường hợp vết thương ở tay hoặc chân thì cần phải bất động chi đó bằng nẹp sau đó rửa sạch vết thương bằng nước hoặc các dung dịch sát khuẩn như nước muối iốt 10%.
Trẻ bị động vật cắn sẽ rất nguy hiểm, có thể nhiễm trùng, sốc, thậm chí tử vong. Vì vậy, không nên cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo, ngỗng và không đến gần các bụi rậm đề phòng rắn, rết làm tổ.

BS. Hương Giang
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan