Backgroup Default
Thứ năm, 2/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  04/05/2024, Lượt xem: 257

Nhiều người khi điều trị bệnh trĩ đã khỏi nhưng sau một thời gian bệnh lại tái phát. Vậy, nguyên nhân do đâu, cần làm gì để phòng căn bệnh này? Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của bệnh trĩ, trong đó phổ biến là do thói quen ăn, uống, sinh hoạt thiếu khoa học như: Ăn nhiều thịt, ít rau, uống ít nước, ngồi nhiều, ít vận động,... điều này sẽ gây táo bón, lâu dài dẫn tới trĩ.
Bệnh trĩ có tái phát không?
Trĩ thường được miêu tả là những đám rối tĩnh mạch của hậu môn trực tràng giãn ra, những búi trĩ này sẽ to dần lên do máu tĩnh mạch bị ứ đọng. Tùy thuộc vào vị trí của búi trĩ, người ta chia làm 2 loại: Trĩ ngoại và trĩ nội.
- Trĩ ngoại (nằm bên ngoài hậu môn) phát triển ngay gần rìa hậu môn và được phủ bởi lớp da rất nhạy cảm của vùng rìa hậu môn. Chúng thường không đau, tuy nhiên nếu hình thành cục máu đông (trĩ tắc mạch) thì nó sẽ rất đau và tạo thành khối cứng chắc. Trĩ ngoại cũng có thể chảy máu nếu nó bị vỡ ra.
- Trĩ nội (nằm phía trong hậu môn) thường không đau, chảy máu, thòi trĩ ra ngoài khi đại tiện là những triệu chứng thường xuất hiện. Tuy nhiên, nó có thể rất đau nếu búi trĩ nội bị sa ra ngoài hoàn toàn, từ phía trong hậu môn thòi ra ngoài lỗ hậu môn và không thể ấn lại được vào trong (búi trĩ bị nghẹt).
Trên thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp sau phẫu thuật cắt trĩ một thời gian bệnh lại tái phát. Lý do là hệ tĩnh mạch tại hậu môn, trực tràng bị giãn, suy yếu sẽ không hồi phục được như ban đầu. Chính vì thế, khi bệnh trĩ càng tái phát nhiều lần sẽ càng làm căng giãn tĩnh mạch mô xung quanh hậu môn, khiến bệnh trĩ ngày càng nặng hơn.
Ở một số trường hợp sau phẫu thuật cắt trĩ không thay đổi chế độ ăn, uống, sinh hoạt hợp lý thì cũng rất dễ bị tái phát bệnh trĩ. Bởi lẽ tính chất của phẫu thuật chỉ giải quyết phần búi trĩ lòi ra ngoài. Trong khi đó, hệ tĩnh mạch suy yếu bên trong thì phẫu thuật hoàn toàn không can thiệp được. Chính vì vậy, chỉ cần có những yếu tố dễ gây bệnh thì bệnh trĩ sẽ rất dễ tái phát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của bệnh trĩ

Cần làm gì để bệnh trĩ không bị tái phát?
Để tránh bệnh tái phát, sau khi điều trị người bệnh cần tái khám theo chỉ định của các bác sĩ, thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn dùng thuốc cũng như chế độ ăn. Ngoài ra, người bệnh cần cần lưu ý đến chế độ ăn, uống phù hợp, vì điều này sẽ giúp quá trình phục hồi bệnh trĩ nhanh và ngăn chặn bệnh trĩ xuất hiện. Nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhiều rau xanh, củ và quả tươi để bổ sung thêm nhiều chất xơ và vitamin. Những thực phẩm này giúp nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón. Từ đó, giúp làm giảm áp lực khi đi đại tiện để ngăn ngừa bệnh trĩ.
Cần uống đủ nước mỗi ngày, vì sẽ có lợi cho tiêu hóa và giảm táo bón hiệu quả. Người trưởng thành nên uống khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày để phòng ngừa bệnh trĩ cùng nhiều căn bệnh khác như: Sỏi thận, tiểu đường, dạ dày,…
Việc tập luyện thể dục thường xuyên cũng cần được chú ý, vì sẽ giúp làm giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn gây bệnh trĩ. Tập thể dục đúng cách, vừa giúp bạn tăng cường sức khỏe, làm bền thành mạch hậu môn, đồng thời chúng giảm sự giãn nở hậu môn quá mức gây trĩ. Chính vì vậy, để ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày rèn luyện một số môn thể thao vừa sức, có lợi như: Đi bộ, bơi lội, tập yoga, dưỡng sinh,…
Ngoài ra, muốn trĩ không tái phát, người bệnh nên thực hiện một chế độ ăn, uống giàu chất xơ, tránh tình trạng táo bón. Tránh ăn thực phẩm và gia vị cay nóng, tránh xa các chất kích thích bia, rượu và cần vệ sinh hậu môn sạch sẽ. Nếu thấy có dấu hiệu ngứa, đau giống như bị trĩ, bạn cần phải đến sơ sở y tế thăm khám ngay, để các bác sĩ kịp thời xử lý khi bệnh mới chớm tái phát.
Trĩ nội được chia làm 4 độ:
- Độ I: Trĩ không sa ra ngoài.
- Độ II: Trĩ sa ra ngoài và tự tụt vào trong hậu môn sau khi đại tiện.
- Độ III: Trĩ sa ra ngoài và phải dùng tay để đẩy lại vào trong.
- Độ IV: Trĩ sa ra ngoài và không thể đẩy lại vào trong.

BS. Nguyễn Nga
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan