Backgroup Default
Thứ bảy, 28/9/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  21/03/2024, Lượt xem: 206

Cảm lạnh gây khó chịu và mệt mỏi cho người bệnh. Để giảm các triệu chứng bệnh có thể dùng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số lầm tưởng về bệnh và cách điều trị cảm lạnh… dẫn tới sai lầm trong dùng thuốc.
Lầm tưởng 1: Thuốc kháng sinh có thể điều trị cảm lạnh
Cảm lạnh là bệnh do vi rút gây ra, nên không thể khỏi khi dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Thuốc kháng sinh chỉ điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như: Viêm phế quản, viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tai...
Việc sử dụng thuốc kháng sinh khi bị cảm lạnh vừa không có tác dụng chữa bệnh, giảm triệu chứng bệnh mà thậm chí có thể gây các tác dụng phụ cho người dùng. Nghiêm trọng hơn là có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh nếu sử dụng quá thường xuyên và không đúng cách.

Kháng sinh không điều trị được cảm lạnh

Lầm tưởng 2: Cảm lạnh có thể điều trị khỏi bằng thuốc
Hiện tại, không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi cảm lạnh. Các loại thuốc chỉ có thể làm giảm các triệu chứng do cảm lạnh như: Sốt, đau nhức cơ thể, ngạt mũi, sổ mũi...
Lầm tưởng 3: Vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh
Vitamin C không có khả năng ngăn ngừa cảm lạnh. Có một số bằng chứng cho thấy, việc bổ sung thường xuyên vitamin C có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh đối với một số người. Tuy nhiên, thời gian mắc bệnh và độ nghiêm trọng của bệnh giảm rất ít.
Ngoài ra, việc bổ sung lượng lớn vitamin C (2000mg/ngày) có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa (đau dạ dày, sỏi thận, tiêu chảy…).
Lầm tưởng 4: Thuốc không kê đơn an toàn khi trị cảm lạnh cho trẻ
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, các loại thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng của cảm lạnh như: Nghẹt mũi, sổ mũi và ho… không hiệu quả đối với trẻ em dưới 6 tuổi và có thể có tác dụng phụ có hại. Đặc biệt là khi trẻ uống quá liều thuốc được khuyến cáo. Ngoài các tác dụng phụ như: Buồn ngủ hoặc khó ngủ, đau bụng, phát ban hoặc nổi mề đay, trẻ có thể bị nhịp tim nhanh, co giật, thậm chí tử vong.

Việc sử dụng thuốc OTC trị cảm cho trẻ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Lầm tưởng 5: Phải điều trị ho khi cảm lạnh
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống xuất các dị vật lạ trong đường thở. Thông thường, không cần phải điều trị ho khi cảm lạnh, bởi các cơn ho sẽ tự hết sau vài ngày. Chỉ điều trị ho khi ho kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, gây mất ngủ, hoặc có kèm các triệu chứng khác như: Ho có đờm, ho ra máu…
Lầm tưởng 6: Cảm lạnh là do cơ thể bị lạnh
Mặc dù đi ra ngoài trời lạnh với mái tóc ướt hoặc quần, áo không đủ ấm có thể khiến cơ thể cảm thấy lạnh nhưng điều này không phải là nguyên nhân gây cảm lạnh. Cảm lạnh là bệnh do vi rút đường hô hấp gây ra, khi tiếp xúc gần với người bị bệnh.
Lầm tưởng 7: Cảm lạnh không lây nhiễm
Cảm lạnh là bệnh do vi rút gây ra nên hoàn toàn có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua: Không khí, tiếp xúc gần, bề mặc các đồ vật… Cảm lạnh có thể lây nhiễm ngay trước khi có triệu chứng đầu tiên và dễ lây lan nhất trong 4 ngày đầu tiên sau khi có các triệu chứng. Vi rút có thể tồn tại trong cơ thể nhiều tuần ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm dần theo thời gian.

BS. Đặng Xuân Thắng
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan