Backgroup Default
Thứ tư, 26/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  05/03/2024, Lượt xem: 286

Theo nghiên cứu, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% đến 30%. Nhất là khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại, các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người có tiền sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.
Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp vì có nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Thời tiết lạnh và nỗi lo đột quỵ
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở Hoa Kỳ và nhận thấy đột quỵ gia tăng đáng kể khi thời tiết lạnh hơn, đặc biệt khi nhiệt độ có sự dao động lớn.
Một nghiên cứu khác của Đức trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu nhận thấy rằng khi nhiệt độ giảm 2,9 độ C trong 24 giờ, đột quỵ não tăng 11%. Đặc biệt, tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với những người có sẵn nguy cơ đột quỵ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…

Trong tất cả các trường hợp đột quỵ, có đến tới khoảng 70-80% là có dấu hiệu báo trước

Nhiều người thắc mắc là vì sao người cao tuổi dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh? Trên thực tế cho thấy, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Trời lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não.
Một nguyên nhân khác khiến dễ bị bệnh đột quỵ vào mùa lạnh là do số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ cô đặc của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao thì khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu càng cao.
Hơn nữa, vào mùa lạnh nhiều người thường ngại vận động và ăn uống không lành mạnh, nhất là người cao tuổi. Khi lạnh người dân ngại ra ngoài, ngại vận động, quá lo sợ lạnh sẽ ốm nên thường nằm trên giường nhiều. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn.
Ngoài ra trong thời đại hiện nay các yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông như: Lối sống ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia, rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho đột quỵ dễ xảy ra người cao tuổi và ngày càng trẻ hóa.
Những người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh tim mạch thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, đồng thời mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ cô đặc của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị đông và lưu lượng máu đến não giảm.

Những người bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh

3 bí quyết ngăn ngừa đột quỵ trong mùa lạnh
Trên thực tế không thể tránh được hoàn toàn đột quỵ và cũng không thể thay đổi được thời tiết lạnh. Nhưng có một vài lưu ý có thể thay đổi được đó là lối sống, chế độ ăn… giúp hạn chế được phần nào đột quỵ xảy ra trong mùa lạnh.
- Làm ấm cơ thể
Để ngăn ngừa đột quỵ vào mùa lạnh thì việc giữ ấm cơ thể là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần phải biết làm ấm cơ thể khi ra khỏi giường, nhất là người cao tuổi. Sau khi ngủ dậy, mọi người không nên vùng dậy đi lại ngay mà cần có thời gian khởi động để cơ thể dần thức dậy.
Nên nắn bóp nhẹ nhàng, làm nóng các cơ, khớp trước khi bước xuống giường. Với người có bệnh xương khớp, tim mạch cũng phải khởi động nhẹ trước khi bước xuống giường để tránh tai nạn, tai biến…
Ngoài ra, mùa lạnh cần nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc trong một không gian ấm áp, tránh tiếp xúc đột ngột với gió lạnh. Thường xuyên uống nước ấm, ăn những đồ ăn ấm nóng. Trường hợp phải ra ngoài trời, hãy trang bị bằng những bộ đồ ấm áp, đội mũ len, đeo khăn, găng tay, đặc biệt giữ ấm đầu và cổ.
- Ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh
Thời tiết lạnh có thể khiến chúng ta nhanh đói do tiêu hao năng lượng nhiều hơn, hãy cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng thực phẩm có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể giúp cơ thể cảm thấy ấm áp.
Thức ăn mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể và khiến chúng ta cảm thấy ấm hơn. Vì vậy nên ăn các loại rau xanh và trái cây, thực phẩm chứa nhiều omega-3, omega-6, chất béo tốt cho tim mạch, để phòng ngừa đột quỵ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhạt để tốt cho huyết áp và hoạt động của tim mạch. Không nên ăn những đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, các loại đồ ăn chiên xào vì nó có thể làm tăng nguy cơ mỡ máu và hình thành cục máu đông.
Ngoài chế độ ăn uống khoa học, cũng nên giữ một lối sống lành mạnh: Không nên hút thuốc lá, không nên uống rượu, bia, nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bài tập phù hợp. Thường xuyên theo dõi và duy trì chỉ số huyết áp, lượng cholesterol và chất béo trung tính, chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh. Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng, buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy.

Người cao tuổi trước khi xuống giường cần vận động làm ấm cơ thể

 

- Khám sức khỏe định kỳ, uống thuốc theo chỉ định bác sĩ
Việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
Nếu những người đã có sẵn các bệnh lý tim mạch thì cần bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn. Mùa lạnh rất dễ mắc cúm và người tim mạch khi mắc cúm sẽ có thể xảy ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó có suy tim, đột quỵ,…
Tóm lại: Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế và tử vong ở người lớn ở Việt Nam. Trong tất cả các trường hợp đột quỵ, có đến tới khoảng 70-80% là có dấu hiệu báo trước. Người bệnh nên nhận biết các dấu hiệu hoặc biểu hiện bất thường để được gặp bác sĩ và điều trị sớm nhất.
Biểu hiện đột quỵ
B (balance): Mất thăng bằng, chóng mặt, choáng váng.
E (eyes): Thị lực kém, mắt mờ.
F (face): Một bên mặt bị rủ xuống, tê cứng, nụ cười lệch một bên, không cân xứng.
A (arms): Yếu, không nâng được một bên tay/ chân hoặc nửa người.
S (speech): Nói líu lưỡi, không rõ chữ, khó diễn đạt.
T (time): Nếu có các biểu hiện trên, nên gọi cấp cứu khẩn cấp.

ThS. BS. Nguyễn Thị Phương
www.suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan