Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  05/03/2024, Lượt xem: 320

Bệnh thận là kẻ giết người thầm lặng, nhiều người phải chạy thận suốt đời dẫn đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ suy giảm. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh thận có nên tập thể dục không, tập luyện như thế nào?
Tập thể dục điều độ giúp người bệnh thận khỏe hơn
Tập thể dục rất quan trọng giúp cho mọi người sống vui vẻ và hạnh phúc hơn với một cơ thể khỏe mạnh. Người có bệnh thận cũng vậy, hàng ngày nên tập thể dục với những bài tập phù hợp sẽ giúp nâng cao sức khỏe và có nhiều năng lượng hơn.
Khi tập thể dục điều độ cơ thể sẽ năng động và linh hoạt hơn, thực hiện các công việc hằng ngày một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp:
- Tăng sức bền để bạn không cảm thấy mệt khi làm việc nặng.
- Tăng sức mạnh cơ bắp.
- Giúp ổn định huyết áp.
- Làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides).
- Ngủ ngon hơn.
- Giúp thân hình thon gọn.

Bệnh thận là kẻ giết người thầm lặng, nhiều người phải chạy thận suốt đời dẫn đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ suy giảm

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, thường xuyên đi bộ giúp những bệnh nhân mắc bệnh thận sống lâu hơn và cũng làm giảm tỷ lệ phải chạy thận hay ghép thận.
Chỉ cần đi bộ trong thời gian tối thiểu ít hơn 30 phút một lần mỗi tuần cũng mang lại lợi ích, nhưng đi bộ trong thời gian dài hơn và thường xuyên hơn có thể mang lại lợi ích nhiều hơn.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi kết quả trên hơn 6.300 người bệnh mắc bệnh thận mạn tính (CKD) có độ tuổi trung bình là 70. Những bệnh nhân này được theo dõi trung bình trong 1,3 năm và khoảng 21% bệnh nhân nói rằng đi bộ là hình thức luyện tập phổ biến nhất.
Nhìn chung, trong thời gian nghiên cứu, bệnh nhân đi bộ giảm nguy cơ tử vong xuống 1/3 và 21% trong số họ ít có khả năng phải chạy thận hay ghép thận so với những người không đi bộ.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh nhân đi bộ càng nhiều thì lợi ích mang lại càng lớn. So với những người không đi bộ, thì những người đi bộ từ 1-2 lần, 3-4 lần, 5-6 lần và từ 7 lần trở lên mỗi tuần thì ít có khả năng tử vong lần lượt là 17%, 28%, 58% và 59%; và ít có khả năng phải chạy thận hay ghép thận lần lượt là 19%, 27%, 43% và 44%.
Ngay cả với các vấn đề về sức khỏe khác, những bệnh nhân mắc bệnh thận có thể đi bộ khi họ muốn và đi bộ để luyện tập thể thao đều làm gia tăng khả năng sống sót, làm giảm nguy cơ chạy thận.
Tuy vậy, người bệnh thận tập luyện thế nào là những thắc mắc thường thấy, với việc tập luyện phù hợp cho từng thể trạng, từng người là quan trọng nhất. Vì vậy, trước khi tập luyện người bệnh thận nên đến gặp bác sĩ tư vấn. Khi đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và đưa ra các bài tập phù hợp.
Những lưu ý khi tập luyện ở người mắc bệnh thận
Khi lên kế hoạch tập luyện, người bệnh thận cần chú ý 4 điều sau:
- Loại bài tập (ví dụ như: Đi bộ hay tập tại chỗ).
- Thời gian tập luyện.
- Số lần tập luyện mỗi tuần, mỗi tháng.
- Cường độ tập (tập nhẹ hay tập nặng).
- Người bệnh thận có thể chọn các bài tập để vận động các nhóm cơ lớn một cách liên tục như: Đi bộ, bơi lội, đạp xe (trong nhà hay ngoài trời), tập aerobic… Hoặc có thể chọn các bài tập có cường độ thấp hơn như tập vận động nhẹ tại chỗ cũng rất tốt cho sức khỏe. Cố gắng tập các bài tập nhẹ nhàng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần và tránh nâng các vật nặng khi tập.

Người bệnh thận có thể chọn các bài tập để vận động như đi bộ, bơi lội, đạp xe

- Thời gian tập luyện
Người bệnh thận cần lưu ý đến thời gian tập thể dục, đầu tiên nên tập ít nhất khoảng 30 phút mỗi ngày, sau đó nên nâng thời gian tập lên.
Bởi vì 30 phút thường không đem lại nhiều lợi ích. Nếu có thể, bạn nên tăng thời gian tập thể dục lên 45 đến 60 phút mỗi ngày.
Muốn đạt được hiệu quả tập luyện, cần tập ít nhất 3 ngày trong 1 tuần, và cách ngày, ví dụ như: Thứ 2–thứ 4–thứ 6.
- Cường độ tập luyện thể dục ở người bệnh thận
Tùy vào sức của mỗi người bệnh sẽ có mức độ tập luyện khác nhau, nhưng các bác sĩ có một số lời khuyên như sau:
+ Không nên tập quá mệt đến mức không nói chuyện được với những người xung quanh (nên tập cùng với bạn hoặc người thân). Sau khi tập xong bạn vẫn cảm thấy khỏe như bình thường là được (nếu tập xong mà vẫn còn mệt kéo dài thì cần giảm cường độ tập luyện trong lần sau).
+ Cơ bắp sau khi tập không cảm thấy quá đau và vẫn có thể tập trong lần kế tiếp.
+ Cường độ tập ở mức bạn thấy thoải mái.
+ Bắt đầu chậm rãi để làm nóng, sau đó tăng dần đến cường độ mong muốn rồi giảm dần khi gần về đến đích. Điều này nhằm giúp cơ thể có thể quen dần từ từ và tránh được chấn thương.
- Lên kế hoạch tập luyện vào các ngày trong tuần
Tập sau khi ăn 1 tiếng trở lên.
Tránh tập vào thời điểm nóng bức trong ngày.
Nên tập vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Không nên tập luyện trước khi đi ngủ 1 tiếng trở xuống.
Người bệnh thận khi nào dừng tập thể dục?
Đối với người bệnh thận, việc dừng luyện tập cũng cần chú ý, không tập quá sức.
Không tập thể dục khi người bệnh có biểu hiện sốt; thay đổi lịch chạy thận; mới ăn quá nhiều; mới thay đổi thuốc; mới xuất viện.
Khi thời tiết quá nóng và khô nên tập trong phòng có máy lạnh.
Khi có vấn đề về xương khớp mà khi tập luyện sẽ làm bệnh nặng hơn. Đặc biệt, sau khi dừng tập vì các lý do trên, muốn tập luyện trở lại người bệnh thận cần hỏi ý kiến bác sĩ.

ThS. BS. Nguyễn Thị Hường
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan