Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  04/03/2024, Lượt xem: 248

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khớp tự miễn mạn tính, với tổn thương cơ bản bắt đầu ở màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ở độ tuổi trung niên. Nếu không được điều trị sớm và đầy đủ bệnh có thể tiến triển đến phá hủy, biến dạng khớp và tàn phế nặng nề.
Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không là câu hỏi nhiều người bệnh thắc mắc. Bài viết sau đây giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bệnh viêm khớp dạng thấp do đâu?
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch thay vì bảo vệ lại quay sang tấn công màng hoạt dịch là lớp màng bao quanh khớp. Kết quả là tình trạng viêm làm dày bao hoạt dịch, cuối cùng phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn.
Nguyên nhân gây ra sự rối loạn miễn dịch này chưa rõ, hiện được coi là bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố như nhiễm khuẩn và di truyền.
Biểu hiện viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có diễn biến mạn tính xen kẽ với các đợt tiến triển. Các triệu chứng thường gặp trong viêm khớp dạng thấp là:
– Người bệnh xuất hiện sưng nóng đau các khớp.
– Có biểu hiện cứng khớp thường nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài, có thể kéo dài trên 1 giờ.
– Người bệnh mệt mỏi, đau cơ, sốt nhẹ, sụt cân, tê và ngứa ran ở tay.

Người bệnh xuất hiện sưng nóng đau các khớp

Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp giống nhau ở cả hai bên của cơ thể, điều này thường được mô tả là viêm khớp đối xứng. Trong giai đoạn sớm bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến những khớp nhỏ hơn trước đặc biệt là các khớp bàn ngón, đốt gần ngón tay chân. Khi bệnh tiến triển, các biểu hiện sẽ lan xuống cổ tay, gối, cổ chân, khuỷu tay, hông và vai. Nếu không kiểm soát được bệnh có thể dẫn đến biến dạng khớp.
– Ngoài khớp bệnh còn có biểu hiện ở các cơ quan khác: Tim, phổi. mạch máu, mắt, da, hệ thần kinh.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Ngoài biểu hiện lâm sàng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp các bác sĩ dựa vào xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.
- Xét nghiệm máu: Tốc độ máu lắng, protein phản ứng C (CRP) thường tăng biểu hiện quá trình viêm đang xảy ra; xét nghiệm miễn dịch tìm yếu tố dạng thấp RF, kháng thể kháng CCP đặc trưng trong bệnh; xét nghiệm công thức máu thấy biểu hiện thiếu máu do quá trình viêm mạn tính hoặc do dùng thuốc.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang các khớp viêm với hình ảnh đặc trưng là tổn thương bào mòn xương; MRI và siêu âm có thể được chỉ định giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp hiện tại được áp dụng với mục đích kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp và tối đa hóa chất lượng cuộc sống và khả năng vận động sinh hoạt của bệnh nhân.
Điều trị gồm: Dùng thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, giáo dục tư vấn bệnh nhân.
Sử dụng thuốc trong điều trị là điều trị khi các triệu chứng viêm khớp dạng thấp đang hoạt động. Người bệnh cần thường xuyên đến cơ sở khám chữa bệnh để khám và xét nghiệm máu, theo dõi các biến chứng của thuốc.
Thuốc điều trị triệu chứng có thể sẽ được chỉ định như:
- Thuốc chống viêm không steroid chẳng hạn như: Ibuprofen và naproxen, được dùng để giảm đau và giảm viêm nhẹ thường cần được sử dụng trong vài tuần để đạt tác dụng. Thuốc steroid hay còn gọi là glucocorticoid… có tác dụng chống viêm mạnh.
- Thuốc giảm đau: Thường dùng điều trị kết hợp để giảm triệu chứng, ví dụ như: Paracetamol, có thể kết hợp với tramadol hoặc codein.
- Những loại thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs) có khả năng làm chậm sự tiến triển của tình trạng viêm khớp dạng thấp. Đồng thời giúp cứu các mô và các khớp khác tránh khỏi sự tổn thương vĩnh viễn, bao gồm: Leflunomide, sulfasalazine, hydroxychloroquine, methotrexate.
– Thuốc sinh học được sử dụng cho các trường hợp nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị cơ bản.
Phẫu thuật được đặt ra khi bệnh nhân bị tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để phục hồi khả năng vận động của người bệnh, bao gồm: Phẫu thuật nội soi để lấy bỏ tổ chức viêm, lớp màng hoạt dịch viêm; phẫu thuật chỉnh hình sửa chữa các gân, chỉnh trục khớp; thay khớp nhân tạo: thay phần khớp bị tổn thương bằng khớp nhân tạo (làm từ nhựa, kim loại…) thường gặp khớp háng, gối.

Chế độ ăn cần tăng cường protein từ cá, gà thay vì ăn nhiều thịt đỏ

Trong quá trình điều trị người bệnh cần tập luyện, vận động kết hợp vật lý trị liệu, tắm suối khoáng. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ: nạng hỗ trợ khớp gối, khớp háng, nẹp cổ tay.
– Chế độ ăn cần tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây trong thực đơn. Ưu tiên protein từ cá, gà thay vì ăn nhiều thịt đỏ. Tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo không tốt. Nếu bị thừa cân béo phì nên cố gắng giảm cân để giảm áp lực lên khớp.
Tóm lại: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là: Người trung niên và người già chiếm 80%. Bệnh có diễn biến vô cùng phức tạp do xảy ra ở nhiều khớp cùng lúc. Bệnh nhân có biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc ẩm ướt. Bởi vậy mọi người cần lưu ý sớm phát hiện, chữa trị kịp thời.

BS. Nguyễn Hoàng Lan
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan