Backgroup Default
Thứ bảy, 28/9/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  21/02/2024, Lượt xem: 228

Viêm xoang là một bệnh lý tai - mũi - họng phổ biến. Đây là một căn bệnh mạn tính, dai dẳng, khiến người bệnh bị giảm chất lượng cuộc sống. Vậy điều trị viêm xoang như thế nào để đạt được hiệu quả?
Viêm xoang là gì?
Viêm xoang là hiện tượng viêm niêm mạc trong các xoang. Nếu quá trình viêm xuất hiện trên niêm mạc trước đây hoàn toàn khỏe mạnh thì được gọi là viêm mũi xoang cấp tính. Trong trường hợp tình trạng viêm niêm mạc kéo dài trên 12 tuần, lúc này viêm xoang chuyển sang mạn tính.
Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh hốc mũi và thông với hốc mũi. Các hốc xương này được lót bởi lớp niêm mạc giống như hốc mũi, đó là niêm mạc đường hô hấp.
Ở người trưởng thành có năm đôi xoang, được chia làm 2 nhóm.
- Nhóm xoang trước gồm có: Xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm, các xoang này được dẫn lưu qua khe giữa của hốc mũi.
- Nhóm xoang sau bao gồm: Xoang sàng sau và xoang bướm, dẫn lưu của chúng đổ vào khe trên.
Nguyên nhân gây viêm xoang
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây.
- Do viêm nhiễm: Nhiễm khuẩn vùng mũi, họng là nguyên nhân hay gặp nhất như: Viêm họng, viêm amidan, viêm VA ở trẻ em và viêm mũi.
- Do răng: Các bệnh lý ở răng lợi như: Viêm lợi, sâu răng, viêm tuỷ… đều có thể gây viêm xoang hàm, thường gặp là bệnh lý của răng hàm trên từ răng số 4 đến số 6.
- Do siêu vi trùng.
- Dị ứng: Có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, cơ địa dị ứng mũi xoang cũng dễ dẫn tới viêm xoang mạn tính.
- Chấn thương: Các chấn thương cơ học, do hỏa khí làm vỡ xoang hay tụ máu trong xoang đều có thể gây viêm xoang. Ngoài ra, các chấn thương về áp lực có thể xuất huyết, phù nề niêm mạc, rồi gây ra viêm xoang.
Một số nguyên nhân gây cản trở dẫn lưu xoang
- Dị hình ở vách ngăn, khe giữa ở xoang, các khối u trong xoang và hốc mũi…
- Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.
- Do dịch vị axit ở dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, thanh quản, gây ra viêm nhiễm vùng mũi họng, trong đó có viêm xoang.
- Do cơ địa: Ở những người bị suy nhược toàn thân, rối loạn nội tiết như: Tiểu đường, rối loạn về vận mạch, rối loạn về nước và điện giải thường sẽ dễ bị viêm xoang.

Viêm xoang là một bệnh lý tai - mũi - họng phổ biến. Ảnh minh hoạ

Biến chứng của viêm mũi xoang
Viêm xoang có thể gây nhiều biến chứng, trong đó chủ yếu là:
- Viêm tai giữa.
- Viêm họng.
- Viêm thanh quản.
- Viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, viêm mũi xoang mạn tính gây ra hội chứng xoang – phế quản (Mounier – Kuhn) gây giãn phế nang không hồi phục.
Biến chứng ở mắt do viêm xoang
- Viêm mô tế bào trước vách
Còn gọi là áp xe mi mắt. Bệnh nhân trước đó đã bị viêm xoang nhiều lần nhưng không thấy triệu chứng rõ ràng, đột nhiên thấy mi trên (nếu là viêm xoang trán, xoang sàng) hoặc mi dưới (nếu là viêm xoang hàm) tự nhiên sưng tấy và đỏ mọng, đau nhức nhiều. Điều trị kháng sinh cũng mang lại hiệu quả khá nhanh, nhưng nếu lề mề chữa trị thì mi mắt sẽ bị áp xe và vỡ mủ sau 4 - 5 ngày, sẽ để lại vết sẹo, khó có thể xóa đi...
- Viêm tấy ổ mắt
Thường xuất hiện khá đột ngột: Vừa sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu nhẹ vài ngày thì mi mắt đã bị sưng húp, tròng mắt bên sưng có thể bị đẩy lồi lên, không chỉ đau nhức ngoài mi mắt, mà trong mắt cũng đau. Tuy nhiên, thị lực vẫn bình thường. Biến chứng này hầu như không gây vỡ mủ ra ngoài da, tạo ra vết sẹo xấu xí. Cần điều trị nội khoa tích cực.
- Viêm túi lệ (tuyến nước mắt)
Túi lệ rất mỏng manh và lại thông với xoang sàng, cũng như ở rất gần xoang hàm, nên khi các xoang này bị viêm nhiễm thì túi lệ cũng dễ bị ảnh hưởng. Đầu tiên là thấy sưng đỏ ở da vùng khóe trong mắt, sau đó lan ra một phần mi mắt và kết mạc. Nếu để vài ba ngày sẽ tạo ra áp xe và vỡ mủ. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị tốt sẽ gây viêm túi lệ mạn tính hoặc viêm tắc lệ đạo, bên mắt bị tổn thương lúc nào cũng chảy nước mắt.
- Áp xe ổ mắt
Mủ hình thành bên trong mô ổ mắt, đẩy nhãn cầu lồi ra, mi mắt sưng nề. Bệnh nhân đau mắt dữ dội và thị lực bị ảnh hưởng, nhìn mờ, dù có điều trị thì nguy cơ bị mù cũng rất cao!
- Viêm thần kinh thị giác hậu nhãn cầu
Thường là hậu quả của viêm xoang sàng sau. Trong trường hợp biến chứng do viêm xoang cấp thì các triệu chứng diễn biến nhanh, nhưng cũng hết rất nhanh. Khám xoang thì thấy khe giữa đầy mủ vàng xanh, thị lực sụt giảm rất nhanh, nhưng hồi phục cũng rất nhanh sau điều trị.
Trường hợp do biến chứng của viêm xoang mạn tính thì lại khác: Khám xoang chỉ thấy chút ít dịch nhầy chảy xuống vòm họng, hai mắt sẽ mờ từ từ với mức độ khác nhau, cảm giác nhìn mọi thứ đều như có sương khói che phủ và rất khó chịu nếu nhìn vào ánh sáng chói. Mắt không phân biệt được màu sắc rõ ràng, có ám điểm trung tâm (là một điểm ở vùng trung tâm mắt mà khi vật thuộc điểm nhìn này mắt sẽ không nhìn thấy). Trường hợp này thị lực sẽ bị tổn thương và dù được điều trị cũng dễ bị giảm sút.

Các triệu chứng điển hình của viêm xoang là: Hắt hơi, sổ mũi liên tục, kèm theo đau đầu, chóng mặt… Ảnh minh hoạ

Điều trị viêm mũi xoang như thế nào?
Điều trị viêm xoang dựa trên nguyên tắc chung: Đảm bảo dẫn lưu và thông khí xoang tốt.
1. Điều trị viêm xoang cấp tính: Chủ yếu là điều trị nội khoa
- Tại chỗ
Làm sạch và thông thoáng hốc mũi: Đặt thuốc co mạch, hút dịch.
Nhỏ thuốc: Phối hợp các loại thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề, liệu pháp coticoid tại chỗ kéo dài rất có tác dụng.
Xông hơi nước nóng: Các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được.
Khí dung mũi xoang: Thuốc kháng sinh kết hợp với coticoid.
- Toàn thân
Kháng sinh trong 2 tuần có hiệu quả tốt đối với viêm xoang, nên lựa chọn kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ.
Thuốc chống viêm và giảm phù nề.
Thuốc giảm đau, hạ sốt.
Thuốc nâng cao thể trạng.
2. Điều trị viêm xoang mạn tính: Kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa
- Điều trị nội khoa
Trong các đợt hồi viêm, tiến hành trước và sau phẫu thuật.
Tại chỗ: Giống như trong điều trị viêm xoang cấp.
Toàn thân: Giống như trong điều trị viêm xoang cấp.
Điều trị cơ địa: Thuốc có iod, canxi, photpho, vitamin A, D thuốc kháng histamin với cơ địa dị ứng hay rối loạn vận mạch.
- Điều trị ngoại khoa
Chọc rửa xoang: Thường áp dụng với xoang hàm, xoang trán mạn tính (ngày nay ít sử dụng).
Phương pháp đổi chế Proetz: Thường áp dụng với viêm xoang sau mạn tính.
Phẫu thuật xoang: Phẫu thuật xoang khi điều trị nội khoa thất bại hoặc có sự bít tắc đường dẫn lưu tự nhiên của xoang (polip, dị vật…).
Hai phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật tiệt căn và nội soi chức năng. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi chức năng xoang ngày càng được áp dụng rộng rãi ở nước ta, kết quả điều trị cao hơn so với phẫu thuật tiệt căn xoang cổ điển.

PGS. TS. Phạm Bích Đào
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan