Backgroup Default
Thứ tư, 26/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  05/02/2024, Lượt xem: 340

Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh lý tiêu hóa rất thường gặp, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Ở nước ta, có khoảng 20% dân số bị viêm đại tràng mạn tính và có xu hướng gia tăng.
Viêm đại tràng mạn tính do đâu?
Viêm đại tràng mạn tính là tình trạng viêm đại tràng kéo dài, nghĩa là tình trạng viêm nhiễm đại tràng đã ở mức độ nặng, gây tổn thương khu trú hay lan tỏa đến niêm mạc đại tràng.
Viêm đại tràng mạn tính nhẹ có thể khiến niêm mạc đại tràng dễ tổn thương, chảy máu, nặng sẽ xuất hiện những vết loét, xung huyết, thậm chí là áp xe.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân của viêm đại tràng tới nay vẫn chưa hiểu hết. Có thể do: Chế độ ăn uống không hợp lý, rối loạn vi khuẩn trong đường ruột, trong bệnh Crohn hay viêm manh tràng còn liên quan đến yếu tố di truyền.
Tuy nhiên, thông thường viêm đại tràng mạn tính được chia thành 2 nhóm bệnh theo nguyên nhân, gồm:
Viêm đại tràng mạn tính có nguyên nhân do các bệnh như:
- Do bệnh lao, crohn, viêm đại tràng chảy máu,...
- Do bệnh nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm nấm gây viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm mà diễn tiến thành.
Viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên do:
- Viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên do thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu. Theo đó, các nhóm nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính được cho là ảnh hưởng gây bệnh gồm:
- Nhiễm ký sinh trùng: Giun tóc, giun kim, giun đũa,...
- Nhiễm vi trùng gây bệnh đường ruột: Salmonella, Shigella,...
- Chế độ ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn gây kích thích, tổn thương dạ dày, niêm mạc đại tràng.
- Do táo bón kéo dài.

Người bệnh viêm đại tràng bị đau quặn nhiều lần, có khi đau âm ỉ, cơn đau giảm bớt khi đi tiêu

Biểu hiện viêm đại tràng mạn tính
Không giống như viêm đại tràng cấp tính có thể dễ dàng chữa khỏi, không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và sinh hoạt. Viêm đại tràng mạn tính có nhiều dấu hiệu đặc trưng:
- Đau bụng kéo dài
Người bệnh thường bị đau dọc theo khung đại tràng, vị trí nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu. Cơn đau xuất hiện theo cơn, đau quặn nhiều lần, có khi đau âm ỉ, cơn đau giảm bớt khi đi tiêu.
Đặc biệt, bệnh nhân sẽ cảm thấy bụng luôn căng trướng, căng tức rất khó chịu, nhất là khu trú dọc khung đại tràng.
- Phân bất thường
Viêm đại tràng mạn tính gây biểu hiện rõ nhất ở phân, nhưng cũng rất đa dạng, chủ yếu là: Đi tiêu ra phân lỏng, nhiều lần trong ngày, nhiều trường hợp có thể bị táo bón, mót rặn, phân có máu, có nhầy hoặc không kèm nhầy.
Có những bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính vừa bị táo bón xen kẽ với tiêu phân lỏng, nhìn chung phân không ổn định khiến bệnh nhân không thấy thoải mái sau khi đi tiêu.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
Viêm đại tràng mạn tính là bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng nên biểu hiện suy nhược, mệt mỏi cơ thể cũng rõ ràng. Theo đó, bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính thường thấy: Chán ăn, ăn uống kém, toàn thân mệt mỏi, đầy bụng, giảm trí nhớ, ăn ngủ kém, hay cáu gắt, lo lắng,...
Có những bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính kéo dài còn bị suy giảm rõ ràng, thể trạng gầy sút, hốc hác, thiếu sức sống.

Uống nhiều nước để phòng bệnh

Viêm đại tràng mạn tính dễ nhầm với bệnh gì?
Câu hỏi đặt ra, khi mắc viêm đại tràng mạn tính thường nhầm lẫn với bệnh gì? Đa số người bệnh mệt mỏi, đau bụng kéo dài nên nghĩ rằng mình có khả năng mắc ung thư nên rất lo lắng. Nhiều người bệnh không tin các chẩn đoán mà cho rằng chắc mắc ung thư đại tràng, ung thư trực tràng…
Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh viêm đại tràng mạn tính và các bệnh ung thư đường tiêu hóa cần dựa vào các kết quả của thăm trực tràng, soi trực tràng hoặc soi trực tràng có sinh thiết, chụp X-quang khung đại tràng... để chẩn đoán chính xác. Chính vì thế, khi bị các triệu chứng trên người bệnh không nên quá lo lắng và cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp và kịp thời.
Ngoài ra, bệnh viêm đại tràng mạn tính còn có thể nhầm lẫn với các bệnh đại tràng phản ứng, loạn thần kinh đại tràng, co thắt đại tràng mạn tính. Bệnh nhân đau bụng, táo bón xen kẽ với tiêu chảy, kèm theo những dấu hiệu loạn thần kinh thực vật. Thể nhẹ là đi phân lỏng khi xúc động.
Lời khuyên của bác sĩ
Để chẩn đoán viêm đại tràng mạn tính ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ sẽ xét nghiệm phân, nội soi trực tràng thông thường hoặc soi đại tràng bằng ống soi mềm. Chụp X-quang khung đại tràng…
Viêm đại tràng mạn tính có thể gây hậu quả nặng nề với người bệnh trong đó có thể bị biến chứng sau: Xuất huyết ồ ạt, thủng đại tràng, giãn đại tràng cấp tính, thậm chí có nguy cơ ung thư… nhất là bệnh nhân càng cao tuổi bệnh càng diễn tiến lâu dài thì nguy cơ dẫn tới những biến chứng càng cao.
Tóm lại: Viêm đại tràng mạn tính nghĩa là bệnh đã tiến triển đến giai đoạn rất khó điều trị dứt điểm, các phương pháp điều trị có thể làm giảm triệu chứng tạm thời mà khó chữa khỏi hoàn toàn nên đễ dàng tái phát nhiều lần, gây khó khăn cho điều trị. Do đó, điều trị viêm đại tràng mạn tính cần đảm bảo là kết hợp điều trị nội khoa và toàn diện, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc phù hợp.
Ngoài tuân thủ chỉ định của bác sĩ người bệnh cần kiêng các thức ăn có nhiều cellulose, các thức ăn lên men (thịt nguội, đồ hộp), các gia vị. Kiểm soát stress, căng thẳng, lo âu. Tăng cường vận động và thể dục tăng cường sức khỏe và sức đề kháng, uống nhiều nước kết hợp xoa bóp nhẹ vùng thượng vị để kích thích tăng nhu động ruột.
Nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho đại tràng và sự phục hồi như: Sữa đậu nành, gạo, khoai tây, cá, tăng cường rau xanh, trái cây, củ quả giàu chất xơ, chuối đu đủ giàu kali,...

BSCKI. Nguyễn Văn Sơn
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan