Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  01/02/2024, Lượt xem: 592

Tình trạng mắt bị ngứa, đỏ không rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của mỗi người.
Các nguyên nhân gây ngứa, đỏ mắt
Khô mắt
Khô mắt là tình trạng lớp phim nước mắt bị tổn thương, do lượng nước mắt tiết ra không đủ hoặc do tốc độ bốc hơi nhanh, gây thương tổn bề mặt nhãn cầu và gây cảm giác khó chịu trong mắt. Phim nước mắt vừa có vai trò làm ẩm bề mặt giác mạc, kết mạc và bôi trơn mi mắt, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho biểu mô, giúp bề mặt giác mạc luôn trơn láng...
Khi bị khô mắt, bạn sẽ cảm giác: Khó chịu, khô, ngứa, rát bỏng, có dị vật trong mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, mắt đỏ, tăng tiết nhầy, chảy nước mắt,...

Tình trạng mắt bị ngứa, đỏ không rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của mỗi người

Viêm bờ mi
Viêm bờ mi ảnh hưởng lên cả hai mắt. Bệnh thường xảy ra khi các tuyến tiết dầu ở gốc lông mi bị tắc nghẽn, gây kích ứng và ửng đỏ. Đây là bệnh mạn tính nhưng không gây nguy hiểm đến thị lực và không lây nhiễm. Viêm bờ mi gây ra tình trạng: Ngứa, đỏ, chảy nước mắt, bề mặt nhãn cầu sưng, khô. Viêm bờ mi gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, việc điều trị có khi rất dai dẳng vì xác định nguyên nhân thường khó có thể chính xác hoàn toàn hoặc là do nhiều nguyên nhân cùng gây nên.
Người bị viêm bờ mi mắt sẽ có các triệu chứng như: Chảy nước mắt, mắt đỏ, cảm giác cộm, nóng hoặc châm chích trong mắt, mí mắt xuất hiện nhờn, ngứa, đỏ, sưng, bong da quanh mắt, lông mi dính vào nhau, chớp mắt thường xuyên, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt,…
Do đeo kính áp tròng không đúng và vệ sinh chưa đạt chuẩn
Việc đeo kính áp tròng hàng ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đôi mắt của bạn. Trong đó, đeo kính áp tròng lâu ngày sẽ dẫn đến ngứa mắt, tăng nguy cơ phát triển bệnh khô mắt, dị ứng khiến đôi mắt nhạy cảm, đỏ và ngứa.
Kính áp tròng là loại kính đặc biệt được đeo trực tiếp lên đồng tử mắt. Chính vì vậy mà vấn đề vệ sinh kính áp tròng được đặt lên hàng đầu, bởi chỉ cần để kính áp tròng bị bẩn, vệ sinh kính áp tròng kém, tay đeo kính áp tròng không hợp vệ sinh, hoặc để kính áp tròng tiếp xúc với các loại nước mưa, nước máy nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt của bạn.
Một nguyên nhân khác dẫn đến những tác hại của kính áp tròng chính là việc đeo kính áp tròng quá thời hạn sử dụng hoặc không tuân thủ các yêu cầu mà nhà sản xuất đưa ra. Nhiều người do tâm lý tiết kiệm đã không thay kính và khay đựng, dẫn đến việc các vi khuẩn, ký sinh trùng có điều kiện xâm nhập và tấn công mắt.
Lạm dụng sử dụng các thiết bị điện tử
Thời gian phải tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính,... khiến mắt căng thẳng cũng có thể gây ra mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung, lâu dài có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn, bạn sẽ cảm thấy ngứa mắt và mắt bị đỏ.
Dị ứng theo mùa
Chất gây dị ứng như phấn hoa và cỏ có thể gây ra sưng và viêm mắt, có thể dẫn đến mẩn đỏ. Dị ứng cũng có xu hướng làm cho đôi mắt bị ngứa, khiến bạn dụi mắt tạo ra viêm nhiều hơn và mẩn đỏ.

Sử dụng nước mắt nhân tạo và tránh thuốc nhỏ mắt để giúp mắt được bôi trơn và giảm ngứa. Ảnh minh họa

Giải pháp hạn chế ngứa, đỏ mắt
Để hạn chế tình trạng ngứa, đỏ mắt, bạn cũng nên chú ý chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của mình bằng cách:
- Tránh làm việc trước máy tính quá lâu, hạn chế xem tivi.
- Ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya.
- Nên đeo kính râm khi đi ra ngoài nắng hoặc môi trường nhiều khói bụi.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên có thể gây dị ứng như: Lông súc vật, bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc lá,…
- Bổ sung những thực phẩm tốt cho mắt như: Cá biển, thịt đỏ, ăn các loại rau màu xanh đậm hoặc củ quả màu đỏ như: Bông cải, rau cải ngồng, cà rốt, cà chua, gấc, cam, bưởi,... nhằm cung cấp vitamin A, C, E, lutein, zeaxanthin, kẽm.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo và tránh thuốc nhỏ mắt để giúp mắt được bôi trơn và giảm ngứa.
- Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh bụi bặm,…
- Hạn chế đeo kính áp tròng, vệ sinh tay và kính sạch trước khi đeo.
- Thay đổi đồ trang điểm mắt như: Bút kẻ mắt, bóng mắt, mascara khi sử dụng thời gian dài.
Khi thấy tình trạng ngứa, đỏ mắt kéo dài thì cần đi khám chuyên khoa để được điều trị, không tự ý dùng thuốc tra nhỏ mắt, khiến tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và ngày càng khó chữa.

BS. Nguyễn Mai Anh
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan